Tổng Bí thư Tô Lâm: Cơ cấu lại nền kinh tế phải có cơ cấu việc làm

Trước việc 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư đặt ra câu hỏi gợi mở về chính sách phát triển thị trường lao động.

Ngày 8/1, diễn ra Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 - năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng Bí Thư phát biểu chỉ đạo: “Tại Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có Kết luận, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tôi cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ và ý kiến phát biểu của các đại biểu về dự báo tình hình, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực. Chúng ta cần chủ động ứng phó với mọi tình huống, đặc biệt trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và khu vực còn tiếp tục phức tạp, khó đoán định; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ; trong đó, tôi lưu ý một số nội dung, định hướng trọng tâm”.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thực hiện các giải pháp quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh về việc tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc nhưng không bao biện hay buông lỏng. Các cấp ủy đảng phải thể hiện vai trò lãnh đạo thông qua hệ thống chính trị, kết hợp với tinh thần tiên phong, gương mẫu và tự phê bình, phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối thành pháp luật, tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện chính sách. Công tác vận động, thuyết phục nhân dân phải được tăng cường, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân và xây dựng Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”.

Kiểm tra, giám sát cần được thực hiện nghiêm túc, kịp thời phát hiện những sơ hở và ngăn chặn các vi phạm, giữ gìn sự trong sạch của Đảng. Chính phủ cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược và quy hoạch, đi đôi với kiểm tra, giám sát hiệu quả. Một nền hành chính phục vụ nhân dân cần được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và trong sạch. Thực hiện nghiêm túc các kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, kiên quyết ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, và các biểu hiện “tự diễn biến, ” “tự chuyển hóa.”

Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức của Đảng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần được thực hiện mạnh mẽ, không ngừng nghỉ. Tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tăng cường thu hồi tài sản thất thoát, minh bạch hóa hoạt động công vụ và kiểm soát tài sản của cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư gợi mở về chính sách phát triển thị trường lao động

Ở phần định hướng trọng tâm cuối cùng, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra nhiều câu hỏi mở cho các đại biểu.

“Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị 'tổ' cho 'Đại bàng', điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những 'cánh rừng', những 'cánh đồng' cho các 'đàn ong' lấy hoa làm mật? Tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực? Giai đoạn tới sẽ có khoảng 100.000 lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và 100.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó? Chính sách gì để phát triển thị trường lao động, thị trường việc làm? Cơ cấu lại nền kinh tế phải có cơ cấu việc làm.

Từ 2021 đến nay chúng ta có 579 cam kết, thỏa thuận, dự án hợp tác được ký kết qua hoạt động đối ngoại với 69 đối tác. Vậy có ai theo dõi việc triển khai hay thúc đẩy các thỏa thuận, hợp đồng này? Tác dụng thế nào? Hay ký chỉ để mà ký?

Và còn rất nhiều câu hỏi tương tự đang đến với chúng ta”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo.

Tại Hội nghị ngày 8/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiệt liệt hoan nghênh, ghi nhận, chúc mừng, biểu dương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về những nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2024, tạo nền tảng, động lực mới, khí thế mới, tâm thế mới cho việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo đà cho mục tiêu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-bi-thu-to-lam-co-cau-lai-nen-kinh-te-phai-co-co-cau-viec-lam-368618.html