Tổng Bí thư thăm 4 nước: Gieo 'hạt' mới trên 'đất cũ' ân tình

Hành trình hơn một tuần lễ (5-12/5) với bốn điểm đến - xứ sở thảo nguyên (Kazakhstan), 'vùng đất lửa' (Azerbaijan), xứ sở bạch dương (Nga) và vùng đất rừng xanh (Belarus) của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân dù là những câu chuyện cụ thể khác nhau nhưng đều là 'cuộc hẹn' với các bạn bè thuộc Liên Xô cũ, có ân tình với Việt Nam, cùng trân quý lịch sử và viết tiếp tương lai trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly đến Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly đến Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thông điệp xuyên suốt chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lần này là sự coi trọng, tình cảm chân thành, thủy chung của Việt Nam với các nước bạn bè thuộc Liên Xô cũ. Nhưng hơn cả thế, chuyến thăm còn mang theo tinh thần bứt phá, nâng tầm và thổi làn gió mới vào quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, do đó, chẳng thể thiếu những sự “sát cánh, kề vai”, như “cây đứng vững nhờ có rễ, người vững vàng nhờ có bạn”, Tổng Bí thư Tô Lâm trích ngạn ngữ Kazakhstan trong bài phát biểu chính sách tại Học viện Hành chính công trực thuộc Tổng thống Kazakhstan.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Azerbaijan, Cộng hòa Belarus, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại diễn ra trong bối cảnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo dù tình hình thế giới trải qua nhiều biến động.

Do đó, chuyến công du bốn nước của Tổng Bí thư Tô Lâm có ý nghĩa quan trọng, giúp nâng tầm quan hệ và thúc đẩy hợp tác toàn diện với các bạn bè truyền thống trên tất cả các lĩnh vực, điểm nhấn trong triển khai thực tiễn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Không khí “ngày chiến thắng”

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm diễn ra trong không khí “ngày chiến thắng”, mang ý nghĩa đặc biệt khi là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị mới, đúng dịp hai nước đang kỷ niệm các mốc lịch sử trọng đại: Nga kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại; với Việt Nam là dấu mốc 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; đồng thời là năm hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025).

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm lịch sử, vì vậy, mang tính biểu tượng, thể hiện mạch nguồn xuyên suốt của quan hệ Việt-Nga: Kế thừa lịch sử, vun đắp hiện tại và hướng tới tương lai.

Trên chặng đường 75 năm qua, quan hệ Việt Nam-Liên Xô/ Liên bang Nga luôn vững bền theo năm tháng và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Trải qua thử thách của thời gian, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước luôn ấm nồng. Việt Nam và Nga đều sẵn sàng và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, xây dựng quan hệ chính trị tin cậy cao hơn, hợp tác kinh tế thương mại thực chất hơn, hiệu quả hơn, giao lưu nhân dân chặt chẽ hơn.

Với nền tảng và quyết tâm đó, trong chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo cấp cao nhất hai nước trao đổi những định hướng lớn phát triển quan hệ song phương không chỉ cho 5-10 năm tới mà còn dài hơn nữa, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới, củng cố quan hệ hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng lớn ở Nga.

Thiêng liêng hai tiếng “hòa bình”

Đặc biệt, nhân dịp này, sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại có ý nghĩa vô cùng to lớn; thể hiện sự trân trọng, tôn vinh của Việt Nam đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay trong chiến thắng vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít.

Năm 1941, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, bảy chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tham gia Hồng quân bảo vệ Moscow và ba người trong số đó đã dũng cảm hy sinh.

Đối với Việt Nam, chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là nguồn cổ vũ, động viên to lớn và cũng là tiền đề quan trọng để nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng lên tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thành công.

Tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky với hình ảnh người lính Hồng quân Paven đã truyền cảm hứng, nung nấu tinh thần chiến đấu bất khuất và khát vọng hòa bình của biết bao chiến sĩ Việt Nam với tinh thần “Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử lực lượng tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại dịp này. Đây là lần đầu tiên đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động diễu binh tại nước ngoài. Hình ảnh quân nhân Việt Nam tham gia duyệt binh ở Nga hát vang Cachiusa - bài hát truyền thống của các chiến sĩ Hồng quân khi tập luyện để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người dân Nga.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm cấp Nhà nước tại thủ đô Asana, ngày 6/5. (Ảnh: Văn Hiếu)

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm cấp Nhà nước tại thủ đô Asana, ngày 6/5. (Ảnh: Văn Hiếu)

Tầm cao mới, làn gió mới

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm tới ba nước Trung Á, các cuộc trao đổi cấp cao diễn ra trong không khí gần gũi, thân tình và ấm áp. Điều đó bắt nguồn từ tình cảm thủy chung, trước sau như một của Việt Nam dành cho Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus – những người bạn đã luôn đồng hành, ủng hộ Việt Nam trong cả kháng chiến giành độc lập lẫn công cuộc phát triển đất nước hôm nay.

Trên những mảnh “đất cũ” ân tình được thời gian kiểm chứng, nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cùng lãnh đạo các nước tự tin và quyết tâm nâng tầm cao hợp tác, viết thêm những chương mới cho tương lai tươi sáng; hướng đến “bốn hơn” trong quan hệ “bền vững hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn và cùng có lợi hơn”, tương xứng với tiềm năng hợp tác và tin cậy chính trị cũng như nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và các nước.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đích thân ra sân bay đón Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân; trân trọng trao tặng Tổng Bí thư Tô Lâm Huân chương Hữu nghị Dostyk hạng nhất - phần thưởng cao quý của Nhà nước và nhân dân Kazakhstan. Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược, đồng lòng đưa quan hệ Việt Nam – Kazakhstan “bay cao như đôi cánh đại bàng trên thảo nguyên Saryarka, trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai khu vực Đông Nam Á và Trung Á, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và góp phần vào hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chính sách tại Học viện Hành chính công.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. (Ảnh: Văn Hiếu)

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. (Ảnh: Văn Hiếu)

Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam về chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tâm đắc những điều không phải ngẫu nhiên trong quan hệ hai nước: Tổng giám đốc đầu tiên của Liên doanh Vietsovpetro (gọi tắt là Vietsovpetro), thành lập năm 1981 với sự hỗ trợ của Liên Xô là người Azerbaijan Jalal Mamedov, nhà soạn nhạc người Azerbaijan Gara Garayev sáng tác Tổ khúc Việt Nam cho bộ phim tài liệu hợp tác Liên Xô - Việt Nam; Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã đến thăm CHXHCN Xô viết Azerbaijan năm 1959…

Tổng thống Ilham Aliyev khẳng định, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm có tính lịch sử, tạo động lực quan trọng tăng cường hợp tác và mở ra chân trời mới cho sự phát triển quan hệ song phương trên tinh thần hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau.

Với Belarus, cội nguồn của quan hệ song phương khởi đầu từ thời Liên Xô và có bước phát triển quan trọng sau các chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Belarus vào năm 1957 và 1961. Trong những năm tháng Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước luôn có sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, thiết thực của nhân dân Belarus. Thời gian qua, hai nước duy trì, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với độ tin cậy chính trị ngày càng cao, đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ an ninh quốc phòng đến kinh tế - thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân…

Trên nền tảng đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Belarus tạo xung lực mới cho việc tăng cường và mở rộng quan hệ song phương, đưa ra những định hướng làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp và giàu tiềm năng.

Lần đầu tiên tới thăm vùng đất Trung Á, nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn rằng những tầm cao trong hợp tác sẽ thổi làn gió mới cho quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước.

Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với ba nước Trung Á còn rất lớn, nhất là những lĩnh vực nhiều tiềm năng như thương mại, đầu tư, khoa học cơ bản, năng lượng, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo… Với mỗi điểm đến, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt huyết chia sẻ về môi trường đầu tư triển vọng của dải đất hình chữ S, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, cấu trúc đầu tư mới của thế giới. Các thỏa thuận được ký kết trong chuyến công tác là minh chứng cho quyết tâm làm sâu sắc và làm mới các mối quan hệ kinh tế song phương.

Chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân trong những ngày tháng Năm lịch sử, có ý nghĩa với Nga, Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và Việt Nam, tiếp tục góp phần lan tỏa hình ảnh một Việt Nam thủy chung, trách nhiệm, góp phần vun đắp hòa bình và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-bi-thu-tham-4-nuoc-gieo-hat-moi-tren-dat-cu-an-tinh-313651.html