Tôi yêu quê tôi

Trẻ con ngày nay không giống chúng tôi những ngày sống trong chiến tranh. Ngày xưa, chúng tôi yêu quê hương, đất nước, con người, cây cỏ, hoa lá… bằng âm nhạc, ngay cả hát sử ca để học lịch sử.

Tổ quốc, đất nước, con người nó cao xa quá, khi ấy chúng tôi còn nhỏ không hình dung được, nhưng chỉ cần dạy chúng tôi hát sử ca, hát những bài viết về quê hương là chúng ta thấy yêu quê mình, yêu ngay mảnh đất mà mình đang sống. Vì quê hương là một phần thu nhỏ của Tổ quốc, đất nước và con người!

Ai xa quê mà không nhớ quê, mới là lạ? Tuổi trẻ ngày nay khác thế hệ ông bà ngày xưa. Tuổi trẻ ngày nay thích xê dịch không đứng yên một chỗ, vì lý do đi học, tìm kiếm việc làm… thích sống và khám phá ở một chân trời mới, còn quê hương đối với họ chỉ là một nơi để sinh ra, rồi… chấm hết! Khác ông bà tổ tiên của chúng ta ngày xưa, chỉ có một quê hương, cho dù chiến tranh có làm vật đổi sao dời, nhưng ngưng tiếng bom đạn, lại tìm về quê cũ, nên mới có câu “quê cha đất tổ”.

Ảnh minh họa.

Tôi có nhiều người bạn sau 1975 chuyển hộ khẩu ra ở ngoại quốc “từ những ngày chiến tranh vừa chấm dứt”. Mỗi lần có dịp về thăm quê, họ nói rằng, nhớ Việt Nam quá, nhất là nhớ quê mình có cánh đồng lúa, con sông nhỏ, khóm dừa xanh, những hàng cau, cao tít trời mỗi khi ngửa cổ nhìn lên, và nhớ nhất mỗi khi chiều xuống, đêm về trong cái tĩnh mịch của xóm làng, có tiếng kêu của hàng trăm con ếch cất lên như một dàn nhạc đại hòa tấu mà bảo đảm rằng khó có một nhạc sĩ thiên tài nào dàn dựng được hay như một bản hòa tấu… ếch!

Nhạc viết về quê hương là chủ đề không thể thiếu của những người nhạc sĩ đi qua trong hai cuộc chiến tranh, những bản tình ca viết về quê hương, dù nơi ấy chỉ là một mái tranh nghèo, một nương dâu, một lùm tre, một con sông nhỏ, một cánh đồng xác xơ, cỏ nhiều hơn lúa, một khu rừng thưa lá… nhưng đã thấm biết bao mồ hôi nước mắt, những dạt dào tình cảm yêu thương, viết là để khơi dậy lòng yêu nước, thương quê mình dù nơi ấy chẳng có gì ngoài nắng gió, sương rơi, đồng không mông quạnh!

Văn, thơ, truyện… viết về quê hương khó đi vào lòng người bằng những bài hát viết về quê hương, vì tất cả đều phải đọc, chỉ có nhạc không phải đọc mà chỉ việc nghe. Có hàng trăm bài hát viết về quê hương, nhưng trong ký ức chúng ta, có ba nhạc phẩm viết về quê hương thật khó mà quên được: Quê hương (Hoàng Giác); Tình quê hương (Việt Lang); Tôi yêu (Trịnh Hưng - Hồ Đình Phương).

Đặc biệt ba nhạc phẩm này đều nhắc đến “lều tranh, lùm tre, con sông…”, đây là một tổ ấm của dân Việt từ ngày dựng nước, và nói chi xa xôi ấy, chỉ rất gần đây thôi còn rất nhiều mái ấm gia đình là mái nhà tranh, vách lá đơn sơ đến độ không thể… đơn sơ được nữa!

Trong Mélodie xa thẳm, buồn rười rượi: “… Ai qua miền quê binh khói/ Nhắn giúp rằng nơi xa xôi/ Tôi vẫn mơ tùm tre xanh ngát/ Tim sắt se cảnh xưa hoang tàn/ Bao nhiêu ngày vui thơ ấu/ Bao nhiêu lều tranh yêu dấu/… Và say sưa cuộc sống bên ngàn lũy tre/ Xa lánh cuộc đời khắt khe/ Trăm đau ngàn thương…” (Nhạc phẩm Quê hương của Hoàng Giác).

Và nhạc sĩ Việt Lang sau những ngày chiến tranh gian khổ, người chiến sĩ trở về, nhìn lại quê hương nặng trĩu bên lòng: “… Bên nương dâu đồng xanh ngát/ Ta về đây chiều mơ gió mát/ Bóng chiều tà tràn thấm hương quê/ Này đây khóm lá/ Này đây bao nếp tranh mờ xóa/ Những khi chiều xuống/ Này đây bao thiết tha êm đềm tình thương/ Ôi buồn nhớ quê hương…” (Nhạc phẩm Tình quê hương của Việt Lang).

Nhạc sĩ Trịnh Hưng, ông đã để lại cho đời hai nhạc phẩm viết về quê hương: Lối về xóm nhỏ, Tôi yêu (lời Hồ Đình Phương). Hai nhạc phẩm này (tôi đã có bài viết riêng “Lối về xóm nhỏ”) đã gieo vào lòng chúng ta một thứ tình yêu vô bờ bến, đó là thứ tình yêu quê hương từ những ngày chúng ta còn rất bé, lay lất đói nhiều hơn no, cùng với gia đình ở đầu vườn cuối ruộng. Mặc dù lúc bấy giờ đất nước bắt đầu vào cuộc chiến, nhưng nhạc phẩm Tôi yêu lại có phần lạc quan trong giai điệu Rumba Boléro: “… Tôi yêu quê tôi yêu lũy tre dài đẹp xinh/ Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bên đình/ Yêu trăng buông lơi trên má cô nàng đẹp xinh/ Và yêu mấy nhịp cầu tre/… Yêu duyên nên thơ trong tiếng khoan hò ước thề/ Yêu con đê xưa đưa lối qua chợ làng quê/ Và yêu mấy nhịp cầu tre là đây em chờ anh về/ Kìa cùng đùa vui trẻ em ca hát say đời/ Dù nghèo mà vui hỏi ai không hé môi cười…”.

Chúng tôi từ bé, dù không ai giáo dục lòng yêu quê hương, nhưng chúng tôi đã biết yêu quê hương qua những nhạc phẩm này. Thế mới biết âm nhạc có sức mạnh như một dòng chảy, nó âm thầm ngấm sâu và chảy mãi trong huyết quản. Thời gian rồi cũng sẽ đi qua, chỉ có tình ca quên ở lại.

Phần đông dân quê cái nghèo đeo đẳng suốt đời, và cũng xin cảm ơn nhạc phẩm “Tôi yêu” đã để lại một câu hát vô cùng nhân văn mà từ hơn nửa thế kỷ qua cho đến bây giờ chúng ta thấy như một triết lý sống: Đời nghèo mà vui hỏi ai không hé môi cười!

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/toi-yeu-que-toi-113859.html