Toan tính thực sự của Iran sau vụ không kích căn cứ Mỹ

Không phải chỉ để trả thù cho cái chết của Tướng Soleimani, Iran đã có những toan tính sâu xa gì đằng sau cuộc không kích vào các căn cứ Mỹ?

Cuộc đáp trả được báo trước của Iran trước việc Mỹ giết chết Tướng Qassem Soleimani đã gửi một dấu hiệu rõ ràng tới Tổng thống Trump rằng mặc dù vòng xoáy bạo lực hiện tại đã qua song Iran luôn sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào của Mỹ trong tương lai.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ không quân Al Asad của Mỹ sau khi Iran không kích. Ảnh: Planet

Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ không quân Al Asad của Mỹ sau khi Iran không kích. Ảnh: Planet

Iran cảnh báo Iraq để bảo toàn tính mạng cho lính Mỹ

Tối 7/1, Iran chôn cất thi thể Tướng Qassem Soleimani - chỉ huy Lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị Mỹ ám sát hồi tuần trước. Rạng sáng 8/1, khi việc này đã hoàn thành, lực lượng IRGC theo lệnh của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei phóng nhiều tên lửa đạn đạo vào 2 .

Vài giờ sau khi Iran thông báo về cuộc tấn công này, thế giới "nín thở" chờ đợi. Tuy nhiên, không lâu sau động thái trên, Iran đã gửi đi một thông điệp nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao trong cuộc khủng hoảng này qua dòng tweet của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, người đã miêu tả cuộc tấn công là "biện pháp tương xứng để tự vệ theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc". Ông Zarif đã kết luận rằng: "Chúng tôi không tìm cách leo thang căng thẳng hay gây chiến mà chỉ tự vệ trước bất kỳ hành động hung hăng nào".

Dù vậy, quyết định cuối cùng là dừng leo thang căng thẳng không phải chỉ là lựa chọn mà Iran đưa ra. Chiến tranh không phải con đường một chiều bởi đối phương luôn có 1 lá phiếu quyết định. Tuy nhiên, trong cuộc không kích tên lửa vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq, Iran dường như đang nỗ lực ra dấu hiệu rằng nước này coi việc đáp trả vụ Tướng Soleimani bị giết đã khép lại. Đầu tiên, Iran trao đổi trực tiếp về ý định không kích các mục tiêu của Mỹ tại Iraq với Thủ tướng Iraq 2 tiếng trước khi các tên lửa được phóng đi. Sau đó, Iraq đã chia sẻ thông tin này tới các chỉ huy quân sự của Mỹ - những người có thể đảm bảo quân đội Mỹ ở nơi trú ẩn an toàn vào thời điểm cuộc tấn công diễn ra, mặc dù Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nói rằng, ông không biết gì về việc Iraq đã báo trước cho Mỹ cuộc tấn công tên lửa của Iran.

"Khoe khéo" tên lửa đạn đạo thế hệ mới

Điều quan trọng nhất trong cuộc tấn công của Iran là cách thức những tên lửa của nước này được sử dụng. Trong những năm gần đây, Iran đã đạt được những bước tiến đáng kể về hiệu quả, tầm bắn cũng như độ chính xác của các tên lửa đạn đạo. Đã qua rồi những ngày mà kho vũ khí của Tehran chỉ có những tên lửa SCUD thời Liên Xô không chính xác và hiệu quả kém.

Cuộc tấn công tên lửa của Iran vào các mục tiêu của Mỹ tại Iraq sử dụng các tên lửa mới tiên tiến là Qaim 1 và Fahad-110 với hệ thống dẫn đường hiện đại và khả năng chính xác cao. Iran từng sử dụng những vũ khí này trước đó, nhắm vào các mục tiêu của IS tại Syria. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên loại vũ khí này được sử dụng để chống lại Mỹ. Cuộc tấn công tên lửa của Iran không gây thương vong về phía Mỹ, Iraq hay liên quân đồn trú tại Al Asad và Erbil nhưng chính điều đó lại thực sự là cách để Tehran chứng minh về độ chính xác của những tên lửa đạn đạo này.

Những hình ảnh từ vệ tinh của căn cứ không quân Al Asad sau cuộc không kích cho thấy các tên lửa của Iran đã tấn công vào những kho chứa thiết bị với độ chính xác mà trước đó người ta nghĩ rằng chỉ những vũ khí hiện đại của Mỹ, NATO, Nga hay Trung Quốc mới làm được. Theo RT, Iran đã phóng 17 tên lửa vào Al Asad với 15 tên lửa trúng mục tiêu. Trong khi đó, 5 tên lửa khác cũng được phóng vào Lãnh sự quán Mỹ tại Erbil song các chỉ huy của Mỹ trên thực địa cho rằng dường như Iran cố ý tránh tấn công vào Lãnh sự quán song chỉ với động thái ấy, Tehran đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng nếu nước này muốn, Lãnh sự quán Mỹ hoàn toàn có thể bị phá hủy.

Nước cờ của Trump

Đây là một thực tế mà phải cân nhắc cẩn trọng khi phát biểu trước người dân Mỹ về tình trạng căng thẳng thù địch giữa Mỹ và Iran.

Tổng thống Trump trước đó đã khẳng định rằng sẽ có một cuộc đáp trả trên quy mô lớn nếu Iran tấn công bất kỳ quân nhân hay các cơ sở của Mỹ. Tuy nhiên, ngồi giữa đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Trump đã suy nghĩ lại về lời đe dọa này bởi nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rõ nếu ông tấn công Iran, sự trả đũa của nước Cộng hòa Hồi giào này sẽ gây ra tổn thất cho cả Mỹ và các đồng minh khu vực của Washington như Israel, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Mỹ hoàn toàn có khả năng thực hiện một cuộc tấn công phá hủy nhằm vào Iran nhưng cái giá phải trả là quá cao.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Iran rằng Mỹ vẫn coi Iran là một quốc gia đang theo đuổi công nghệ hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tìm cách thống trị khu vực. Rõ ràng cuộc tấn công tên lửa của Iran đã cho thấy một thực tế mới. Đó là nếu Iran hành động ở Vịnh Ba Tư, sức ảnh hưởng của Mỹ ở đây có thể sẽ không còn như trước nữa.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei trong một loạt tweet khẳng định rằng cuộc tấn công của Iran chẳng khác nào một "cái tát" dành cho Mỹ, đồng thời nhấn mạnh chính sách mà nước này theo đuổi, chính là buộc quân đội Mỹ phải rút khỏi Vịnh Ba Tư.

Trên thực tế, cuộc tấn công không thương vong của Iran tại các căn cứ của Mỹ ở Iraq có thể được hiểu theo nhiều cách, vừa là một tín hiệu cho thấy vòng xoáy căng thẳng đang dần qua đi sau những đòn tấn công chực chờ đến "điểm sôi" giữa Iran và Mỹ, song cũng vừa là một lời cảnh báo với thông điệp rằng Iran có khả năng đáp trả và sẵn sàng đối phó với mọi cuộc xung đột với Mỹ trong tương lai./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo RT

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/toan-tinh-thuc-su-cua-iran-sau-vu-khong-kich-can-cu-my-998648.vov