Tòa hủy một hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu gà rán

Theo tòa, chuyển nhượng nhãn hiệu khi chưa được công nhận là chưa đảm bảo tính pháp lý nhưng pháp luật không cấm tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chưa đăng ký…

Mới đây TAND TP Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn bà G và bị đơn là bà U do có kháng cáo của bà G.

 Đương sự trong vụ án ngồi chờ tòa tuyên án. Ảnh: NHẪN NAM

Đương sự trong vụ án ngồi chờ tòa tuyên án. Ảnh: NHẪN NAM

Hợp đồng nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu 200 triệu

Theo hồ sơ, nguyên đơn cho biết, đầu năm 2021, bà với bà U thỏa thuận về việc nhượng quyền nhãn hiệu B, kinh doanh gà rán. Một tháng sau các bên ký hợp đồng nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu B, trị giá 200 triệu và thỏa thuận mở năm cửa hàng mang nhãn hiệu B. Tuy nhiên, do việc kinh doanh ế ẩm nên bà G đã ngừng kinh doanh ba tháng sau đó.

Nguyên đơn cho rằng thời điểm ký hợp đồng phía bà U chưa được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu B. Bà G cho rằng bà U lừa dối làm cho bà tin nhãn hiệu của bà U đã được cấp phép nên mới ký hợp đồng.

Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu tòa án hủy hợp đồng nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu B; buộc bà U trả lại 200 triệu và bồi thường các khoản hơn 200 triệu, tổng cộng hơn 400 triệu.

Bị đơn khai rằng nhãn hiệu B đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn; Nhãn hiệu của bà được nằm trong danh sách công báo sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ; tình trạng nhãn hiệu đã được đăng tải lên website của Cục, vẫn đang chờ quyết định chính thức.

Cùng thời điểm này, sau khi tìm hiểu, dù biết chưa hoàn tất thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu B nhưng bà G vẫn muốn hợp tác kinh doanh. Sau đó thì hai bên ký hợp đồng với giá trị như bà G nêu ở trên. Phía bà đã bỏ công sức đào tạo, hướng dẫn để bà G khai trương cửa hàng, thu lợi nhuận từ việc kinh doanh gà rán…

Theo bà U, bà G kinh doanh thua lỗ là do nhiều nguyên nhân chứ không phải do nhãn hiệu B. Vì vậy, bà không đồng ý với yêu cầu của bà G.

Hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn

Xử sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều cho rằng, khi chưa xác lập quyền sở hữu mà bà U chuyển nhượng nhãn hiệu cho người khác là không đảm bảo tính pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ.

Theo tòa, chưa có tổ chức, cá nhân nào khiếu nại hay có ý kiến về việc sử dụng nhãn hiệu B gây ảnh hưởng hay tổn thất quyền sở hữu tên gọi nhãn hiệu hàng hóa của họ; Giữa bà G và bà U ký hợp đồng đều hướng đến mục đích công thức gà rán và sử dụng nhãn hiệu để kinh doanh mang lại lợi nhuận chứ không phải vì nhãn hiệu này có được đăng ký bảo hộ hay chưa.

Cạnh đó, pháp luật cũng không cấm tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chưa đăng ký hoặc không đăng ký nên không thể nói hai bà ký hợp đồng khi chưa được pháp luật công nhận bảo hộ nhãn hiệu là vi phạm điều cấm của luật.

Cũng theo tòa, khi đánh giá thiệt hại là trang bị vật chất, phương tiện kinh doanh của bà G là có thể đo đếm được bằng tiền. Ngược lại, bà U lộ bí mật về công thức chế biến thông qua việc đào tạo đầu bếp, nhân viên, cách thức tạo ra sản phẩm hoàn thiện mang tên B để bán tại cửa hàng của bà G là thiệt hại thuộc về sở hữu trí tuệ không thể xác định bằng số tiền cụ thể.

Từ đó, tòa cho rằng hợp đồng nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu B vô hiệu do bị nhầm lẫn nên đã tuyên hủy. Các bên đều có lỗi trong việc giao kết hợp đồng này nên mỗi bên chịu 50% thiệt hại, bà U đã nhận 200 triệu của bà G thì cần hoàn trả lại cho bà G 100 triệu.

Xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ đã giữ nguyên phần này như bản án sơ thẩm.

Bác đòi nợ vì màu mực in trên 2 trang hợp đồng vay không giống nhau

Cũng trong vụ án này, bà U có đơn phản tố đòi bà G trả khoản nợ theo hợp đồng vay là 285 triệu. Tuy nhiên, đại diện của bà G không đồng ý yêu cầu phản tố cho rằng bà G không ký vào hợp đồng vay và không nhận tiền.

Tòa sơ thẩm nhận định, về hợp đồng vay tiền, bà G không thừa nhận chữ viết và ký tên trên hợp đồng nhưng không cung cấp chứng cứ nào khác, cũng không yêu cầu giám định chữ viết, chữ ký. Vì vậy, căn cứ vào hợp đồng vay, việc đòi nợ của bà U tòa cho là có cơ sở. Ngoài khoản nợ gốc, tòa tính lãi thì ra tổng số tiền bà G phải trả cho bà U là hơn 400 triệu.

Sau khi khấu trừ nghĩa vụ, trong vụ tranh chấp hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ nêu trên, bà G phải trả cho bà U số tiền hơn 302 triệu.

Sau đó, bà G kháng cáo và có yêu cầu TAND TP Cần Thơ cho giám định màu mực in trên hai trang hợp đồng vay thì có kết luận là không cùng màu mực. Căn cứ vào kết luận giám định này, tòa phúc thẩm đã bác phản tố đòi nợ của bà U.

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/toa-huy-mot-hop-dong-chuyen-nhuong-nhan-hieu-ga-ran-post792475.html