Tòa Công lý Quốc tế đánh giá hoạt động của Israel ở lãnh thổ Palestine

Phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 26/2 và các thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế sẽ đánh giá những hệ quả pháp lý do các hoạt động chiếm đóng của Israel gây ra kể từ năm 1967.

Toàn cảnh một khu định cư của Israel ở Đông Jerusalem. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Toàn cảnh một khu định cư của Israel ở Đông Jerusalem. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 19/2, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) - tòa án hàng đầu của Liên hợp quốc, đã mở phiên tòa để đánh giá những hậu quả pháp lý về việc Israel thực thi chính sách và hoạt động chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine kể từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem.

Đây là phiên tòa riêng biệt so với phiên tòa trước đó của ICJ theo đơn kiện của Nam Phi. Trong vụ kiện hồi tháng 1 đó, tòa án ra phán quyết yêu cầu Israel thực hiện mọi biện pháp trong quyền hạn của nước này nhằm ngăn chặn các hành động diệt chủng trong cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 26/2. Các thẩm phán sẽ đánh giá những hệ quả pháp lý do các hoạt động chiếm đóng của Israel gây ra kể từ năm 1967. Dự kiến, đại diện của 52 nước sẽ trình bày với thẩm phán những bằng chứng liên quan.

Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nam Phi và Ai Cập nằm trong số các nước tham gia phiên tòa tại Cung điện Hòa Bình ở La Haye (Hà Lan) - nơi tọa lạc của ICJ.

Ngoại trưởng Palestine Riyad Al-Malki cũng phát biểu tại tòa. Israel không cử đại diện tham dự song gửi văn bản liên quan đến vụ việc.

Hồi tháng 12/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu ICJ đưa ra một "ý kiến tham vấn" không mang tính ràng buộc về những "hậu quả pháp lý nảy sinh" từ các chính sách và thực tiễn mà Israel thực hiện ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem.

Mặc dù bất kỳ ý kiến nào của ICJ đều sẽ không mang tính ràng buộc pháp lý song phiên tòa nói trên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép đối với Israel liên quan đến cuộc xung đột với Hamas ở Gaza. Sau phiên tòa, các thẩm phán dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận trong thời gian kéo dài vài tháng trước khi đưa ra ý kiến tham vấn chính thức.

Kể từ năm 1967, Israel đã mở rộng đáng kể các khu định cư ở Bờ Tây và sáp nhập Đông Jerusalem - một động thái vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/toa-cong-ly-quoc-te-danh-gia-hoat-dong-cua-israel-o-lanh-tho-palestine-post928454.vnp