Tổ ấm công nhân – Hạnh phúc từ lễ cưới tập thể
Hàng năm, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương phối hợp cùng các doanh nghiệp, nhà tài trợ tổ chức lễ cưới tập thể miễn phí cho các cặp đôi là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mô hình lễ cưới tập thể miễn phí cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TTXVN phát
Đây là hoạt động được duy trì từ năm 2015, góp phần mang lại niềm vui, động viên tinh thần cho nhiều gia đình lao động trẻ. Phần lớn các cặp đôi tham gia chương trình đều đăng ký kết hôn từ nhiều năm trước, thậm chí đã có con nhưng do điều kiện kinh tế eo hẹp nên chưa thể tổ chức một lễ cưới đúng nghĩa. Anh Phạm Đăng Toàn (35 tuổi, quê Nghệ An) và vợ đã đăng ký kết hôn từ năm 2017 nhưng do thu nhập không ổn định nên chưa có điều kiện làm lễ cưới. Khi con hỏi ảnh cưới của ba mẹ, vợ chồng anh chỉ biết cười trừ.
Anh Phùng Văn Chúng (quê Cà Mau) và vợ là chị Hồ Như Thủy (quê Vĩnh Long) đều là công nhân tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kumho (Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, thành phố Bến Cát). Gia cảnh rất khó khăn, anh Chúng là lao động chính trong gia đình có cha mẹ già và em gái bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Chị Thủy cũng gánh vác kinh tế của gia đình có mẹ già, chị gái lớn bị bệnh thần kinh. Dù đã có hai con nhỏ và sống chung nhiều năm đến nay anh chị mới đăng ký kết hôn được hai năm. “Hoàn cảnh gia đình hai bên đều khó khăn, vợ chồng tôi chưa từng nghĩ đến một đám cưới thực sự. Chương trình đã giúp vợ chồng tôi có kỷ niệm đẹp, là điều mà trước đây không dám nghĩ tới”, anh Chúng chia sẻ.
Ông Đỗ Văn Phùng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ tỉnh Bình Dương cho biết, đám cưới tập thể miễn phí được khởi xướng từ năm 2015 với mục tiêu hỗ trợ những cặp đôi công nhân có hoàn cảnh khó khăn có ngày trọng đại đúng nghĩa. Qua 10 năm, chương trình đã tổ chức cho hơn 50 cặp đôi. Không chỉ mang ý nghĩa tinh thần, chương trình còn nhằm góp phần thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi - một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng lao động.

Các cặp đôi cắt bánh chung vui cho ngày trọng đại. Ảnh: TTXVN phát
Chương trình năm 2025 tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, nhà tài trợ. Các cặp đôi được miễn phí toàn bộ dịch vụ cưới gồm: trang điểm, trang phục, chụp ảnh cưới, quay phim, thuê hội trường, âm thanh ánh sáng, trang trí sân khấu, tiệc cưới, xe hoa,... Mỗi cặp đôi được tặng một cặp nhẫn cưới và vòng ngọc trai trị giá 20 triệu đồng. Đặc biệt, chú rể Phùng Văn Chúng được tặng một chiếc xe máy điện VinFast trị giá hơn 20 triệu đồng làm phương tiện đi, phục vụ công việc.
“Dù khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng duy trì hoạt động như một món quà ý nghĩa dành cho công nhân. Thời gian tới, Trung tâm mong muốn mở rộng mô hình cả về số lượng cặp đôi tham gia và quy mô tổ chức, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để nhiều người hiểu và ủng hộ chương trình hơn”, ông Phùng cho biết.
Anh Nguyễn Minh Khoa, đại diện Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý PNJ chi nhánh Bến Cát cho biết, doanh nghiệp rất sẵn lòng hỗ trợ các hoạt động gắn với đời sống công nhân. “Lao động là nhân tố then chốt của sản xuất. Chúng tôi luôn mong muốn có thể góp một phần nhỏ để đời sống tinh thần của họ được cải thiện, từ đó họ sẽ gắn bó và cống hiến lâu dài hơn”.
Bên cạnh việc tổ chức lễ cưới, chương trình còn tích hợp các hoạt động tuyên truyền về xây dựng gia đình no ấm – tiến bộ – hạnh phúc; tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình; truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Nhờ đó, mô hình không chỉ dừng lại ở ý nghĩa lễ nghi mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong cộng đồng công nhân. Được tổ chức đám cưới, nhiều cặp đôi đã có thêm động lực để ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc, chăm lo cho gia đình. Đây cũng là một trong những nỗ lực thiết thực của địa phương nhằm chăm lo đời sống công nhân – lực lượng quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của Bình Dương.