Tính toán sai và mất đi 'yếu tố bất ngờ', tướng Haftar sẽ thất bại trong mục tiêu chiếm Tripoli?
Cuộc xung đột Libya có thể sớm kết thúc khi tướng Haftar đã mất đi yếu tố bất ngờ và tính toán sai mức độ kháng cự quân sự mà ông phải đối mặt.
Vào ngày 3/4, tướng Khalifa Haftar tuyên bố tấn công Tripoli để "giải phóng" thủ đô và toàn bộ phía tây Libya khỏi Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn.
Theo Al Jazeera, nhiều người tin rằng tướng Haftar đã lên kế hoạch cho việc tiếp quản quân sự này từ năm 2014 khi ông kêu gọi một cuộc đảo chính quân sự ở Tripoli, nhưng nỗ lực của ông thất bại sau đó.
Thông báo về hoạt động do Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Haftar đưa ra chỉ vài ngày trước khi một hội nghị quốc gia do Phái bộ đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Libya (UNSMIL) dự định tổ chức tại thành phố Ghadames ở biên giới với Algeria.
Hội nghị này dự kiến sẽ đạt được một bước đột phá trong sự bế tắc chính trị và đưa ra lộ trình giải quyết cuộc xung đột Libya, bao gồm tổ chức các cuộc bầu cử mới để đoàn kết các thể chế chia rẽ của đất nước.
Một thỏa thuận chính trị như vậy sẽ chấm dứt ý tưởng của tướng Haftar nhằm đạt được quyền lực tuyệt đối ở Libya, được ủng hộ bởi các quốc gia như UAE, Ai Cập và Saudi Arabia.
Việc chọn tiến hành xung đột với Tripoli ngay trước thềm hội nghị quan trọng này (dự kiến ban đầu vào ngày 14-16/4) cho thấy tướng Haftar không quan tâm đến việc đạt được một thỏa thuận chính trị, học giả Guma El-Gamaty nhận định trên tờ Al Jazeera.
Cuộc tấn công của tướng Haftar đã chống lại toàn bộ các lực lượng ở phía Tây Libya, đặc biệt là các thành phố Tripoli, Misrata, Zawia và Zintan và các phe phái quân sự tại đây đã nhanh chóng thống nhất để đáp trả.
Với những diễn biến khó dự đoán, học giả Guma El-Gamaty đã nêu ra 3 kịch bản về cuộc xung đột ở Libya.
Các kịch bản
Đầu tiên, cuộc tấn công của tướng Haftar có thể phát triển thành một cuộc xung đột kéo dài và cuối cùng là rơi vào bế tắc quân sự. Theo đó, cuộc chiến sẽ diễn ra trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, đặc biệt là nếu hai bên tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ những người ủng hộ quốc tế dưới dạng vũ khí, đạn dược và tài chính.
Kịch bản này sẽ tàn phá đất nước, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn và thiệt hại lan rộng đến cơ sở hạ tầng và nhà ở dân sự. Điều đó cũng đánh dấu chấm hết cho quá trình đối thoại do Liên Hợp Quốc dẫn đầu, khiến cho sự chia rẽ giữa phía Đông và phía Tây của Libya càng thêm sâu sắc.
Thứ hai, quân đội LNA có thể lựa chọn rút quân, đối mặt với thất bại tiềm tàng. Tướng Haftar dường như đã đánh cược vào yếu tố bất ngờ và nhanh chóng xâm nhập vào Tripoli trước khi các đối thủ của mình có thể phản ứng và huy động lực lượng. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra; lực lượng của ông đã thất bại trong việc vượt qua tuyến phòng thủ của thủ đô.
Haftar đã sử dụng hai vị trí thiết lập cho cuộc tấn công của mình vào Tripoli, gồm các thành phố Gharyan và Tarhouna, cách thủ đô 80km về phía Nam và Tây Nam. Tuy nhiên, các đường tiếp tế của LNA lại quá xa, khi cách căn cứ hàng trăm km ở phía Đông.
Nếu các đường tiếp tế vốn quá xa này bị chia cắt, việc thiếu hụt nguồn cung cấp đạn dược, nhiên liệu và binh sĩ khiến cho LNA buộc phải lựa chọn rút lui.
Điều này có thể dẫn đến việc các lực lượng GNA phản công và đòi lại lãnh thổ đã mất ở cả phía Nam và khu vực quan trọng ở trung tâm đất nước. Sự kiểm soát của tướng Haftar đối với khu vực “lưỡi liềm” dầu giữa Sirte và Benghazi cũng có thể bị đe dọa nếu lực lượng của ông rút lui.
Kịch bản thứ ba là việc LNA được tăng cường sức mạnh bởi các nguồn cung cấp quân sự mới từ những bên ủng hộ là UAE, Saudi và Ai Cập để đánh bại các lực lượng hiện đang bảo vệ Tripoli.
Nếu LNA tìm cách tiến vào thủ đô, một số nhóm vũ trang đối lập có thể chuyển sang đi theo Haftar và lực lượng nằm vùng có thể lộ diện và giúp thực hiện việc tiếp quản.
Tuy nhiên, sự kháng cự đang diễn ra hiện tại có thể khiến tướng Haftar mất nhiều thời gian trong việc thiết lập toàn quyền kiểm soát thủ đô.
Việc chinh phục các thành phố quan trọng khác ngoài Tripoli, như Misrata (220km về phía Đông) và thị trấn núi Nafusa (200km về phía Nam) cũng không thể xong chỉ trong một sớm một chiều, có thể là vài tháng nếu không nói là nhiều năm.
Tướng Haftar có thành công trong cuộc chiến với Tripoli?
Việc tướng Haftar có thành công hay không trong cuộc chiến với Tripoli sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lập trường của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cho đến nay, những quốc gia chủ chốt này đã phản đối việc đưa ra nghị quyết kêu gọi chấm dứt ngừng bắn. Trong khi đó, các quốc gia khác đang tiếp tục cung cấp vũ khí, đạn dược và hỗ trợ hậu cần để thúc đẩy và kéo dài cuộc xung đột.
Theo học giả Guma El-Gamaty, các dấu hiệu hiện tại cho thấy tướng Haftar đã mất đi yếu tố bất ngờ và tính toán sai mức độ kháng cự quân sự mà ông phải đối mặt. Các đường tiếp tế cho quân đội của ông rất khó để duy trì và rất có thể ông sẽ không thành công trong việc chiếm lấy Tripoli.