Tính toán giá trị của kinh tế số trong GDP
Từ ngày 1/1/2022, Luật sửa đổi, bổ sung và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê có hiệu lực. Một trong những nội dung quan trọng của luật sửa đổi này là bổ sung hàng loạt chỉ tiêu đo lường về kinh tế số, trong đó có tỷ trọng của kinh tế số trong GDP. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Khuyến - Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê, Tổng cục Thống kê, về nội dung này.
Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.
PV: Thưa ông, vì sao các chỉ tiêu thống kê phản ánh, đánh giá về kinh tế số được bổ sung vào Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê?
Ông Nguyễn Đình Khuyến: Việc bổ sung các chỉ tiêu thống kê về kinh tế số trong quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê xuất phát từ nhiều lý do.
Ông Nguyễn Đình Khuyến
Thứ nhất là Phụ lục Danh mục ban hành kèm theo Luật Thống kê năm 2015 thiếu các chỉ tiêu phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có các nội dung liên quan đến kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Đại hội Đại biểu toàn quốc làn thứ XIII của Đảng xác định kinh tế số là một trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới: Đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP, đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.
Thứ hai, việc bổ sung này tạo cơ sở pháp lý cho việc thu thập, tổng hợp, biên soạn và công bố thông tin thống kê về kinh tế số nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Việc sửa đổi cũng căn cứ vào Điều 18 Luật Thống kê quy định: “Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia theo thủ tục rút gọn”.
PV: Có bao nhiêu chỉ tiêu thống kê về kinh tế số được đưa vào danh mục trong luật sửa đổi lần này, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Khuyến: Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định 22 chỉ tiêu kinh tế số, như là các chỉ tiêu về tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP; tỷ lệ người 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng; doanh thu dịch vụ viễn thông; doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin; doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến; tỷ lệ người dùng internet; chi cho chuyển đổi số…
Đây là những chỉ tiêu cốt lõi, phản ánh toàn diện nhất về kinh tế số ở tầm vĩ mô. Đồng thời, các chỉ tiêu cũng là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc xây dựng, lồng ghép các chỉ tiêu thống kê về kinh tế số trong các cuộc điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê và sử dụng hồ sơ hành chính cho mục đích thống kê.
PV: Nội dung mỗi chỉ tiêu kinh tế số được quy định như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Khuyến: Đối với mỗi chỉ tiêu cụ thể, nội dung chỉ tiêu sẽ được chuẩn hóa theo 5 tiêu chí gồm: khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu của chỉ tiêu thống kê và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.
Nội dung này sẽ được nêu tại nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, dự kiến trình Chính phủ ban hành tháng 5/2022.
PV: Trong các chỉ tiêu về kinh tế số được bổ sung có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP”. Đây là chỉ tiêu khá khó định lượng, vậy cơ quan thống kê có khó khăn gì khi đo lường chỉ tiêu này?
Ông Nguyễn Đình Khuyến: Kinh tế số là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao phân bổ nguồn lực, năng suất, mang lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Một nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh và quản lý tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Đây là một mô hình kinh tế mới và dưới góc độ kỹ thuật việc xác định, đo lường quy mô của nền kinh tế số đúng là rất khó và phức tạp. Chẳng hạn như là việc khó xác định phạm vi để đo lường quy mô kinh tế số (lõi, hẹp, rộng); thiếu thông tin, dữ liệu để biên soạn; khó khăn trong việc xác định đóng góp của kỹ thuật số trong các ngành kinh tế tương ứng (theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018)…
PV: Vậy cơ quan thống kê sẽ làm gì để có thể đo lường được chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP” này?
Ông Nguyễn Đình Khuyến: Trước mắt, chúng tôi tập trung biên soạn và công bố chính thức quy mô kinh tế số theo phạm vi lõi bao gồm giá trị gia tăng của ngành công nghệ thông thông tin – truyền thông (CNTT-TT) và tổng số việc làm trong ngành này. Phạm vi này bao gồm 12 nhóm hàng hóa và dịch vụ CNTT-TT khác nhau thuộc 2 nhóm chính: hàng hóa/thiết bị CNTT-TT (gồm thiết bị tin học văn phòng, thiết bị viễn thông, thiết bị đo lường, điện tử và quang học, máy tính); và dịch vụ CNTT-TT (gồm dịch vụ viễn thông, dịch vụ phần mềm và dịch vụ thông tin).
Chúng tôi cũng nghiên cứu và xác định nguồn thông tin để tính kinh tế số theo phạm vi hẹp, phạm vi rộng, quy mô kinh tế số được xác định thông qua giá trị gia tăng của các “giao dịch số” và đóng góp của CNTT-TT vào giá trị gia tăng (chứ không phải doanh thu) của các ngành, lĩnh vực kinh tế số. Chẳng hạn, ngành thương mại điện tử có giá trị gia tăng được tạo ra từ các giao dịch số như: đặt hàng trên nền tảng số; giao hàng trên nền tảng số và hoạt động của các nền tảng số (platform-enabled), trong đó ngành nông nghiệp có ít giá trị gia tăng được tạo ra bởi giao dịch số, nhưng cũng cần tính đến để đảm bảo phản ánh đầy đủ hơn.
Trong các cuộc điều tra hiện hành, chúng tôi sẽ lồng ghép việc thu thập các chỉ tiêu thống kê kinh tế số vào. Theo đó, nội dung được lồng ghép thu thập phải đảm bảo thu thập đủ thông tin để tính tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành kinh tế (theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam năm 2018)…
Đồng thời, chúng tôi phải tăng cường năng lực thống kê trong đo lường kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, như hệ thống tài khoản quốc gia, cán cân thanh toán quốc tế (BOP), tiêu chuẩn phân ngành, mã VSIC, mã I/O, đo lường lạm phát….; lưu ý bổ sung các khái niệm mới, sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng số vào rổ hàng hóa và trọng số tính CPI, PPI, GDP…; nâng cao hiệu quả phối kết hợp, cung cấp thông tin, số liệu về kinh tế số và mức độ chuyển đổi số. Ngoài ra, cần nghiên cứu và tiến tới sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để đo lường nền kinh tế số…
PV: Xin cảm ơn ông!
Bổ sung quy định định kỳ 5 năm đánh giá lại GDP
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được Quốc hội thông qua ngày 12/11/2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.
So với Luật Thống kê năm 2015, luật sửa đổi lần này bổ sung quy định: giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bổ sung quy định: giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô GDP báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô GDP.
Đồng thời, thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015. Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia tại luật sửa đổi gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu.