Tình huống lính Mỹ chỉ huy vụ Il-76 bị bắn rơi?

Các nhà điều tra Nga đã đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng chiếc Il-76 Nga bị bắn hạ hôm 24/1 khi chở tù binh Ukraine là do Patriot thực hiện.

Hiện trường chiếc Il-76 bị bắn hạ.

Ủy ban điều tra Nga hôm 1/2 đã công bố video và bằng chứng tài liệu xác định chính xác hệ thống tên lửa đất đối không được sử dụng để bắn rơi chiếc Ilyushin Il-76 của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga ở khu vực Belgorod, cho biết phân tích của họ về 116 mảnh tên lửa cho thấy tên lửa được sử dụng là một quả đạn của hệ thống MIM-104A Patriot.

Bằng chứng bao gồm các dòng chữ bằng tiếng Anh, bao gồm các số bộ phận được mã hóa, từ Raytheon (nhà sản xuất Patriot); Hướng dẫn phân loại an ninh của Patriot và thông tin về hợp đồng.

Nhà Trắng đã giữ im lặng về vụ bắn hạ Il-76 trong hơn một tuần sau khi hứa sẽ "thu thập thêm thông tin" vào hôm 25/1. Các đồng minh châu Âu của Washington cũng hạn chế bình luận về vụ việc.

Các nhà điều tra Nga không nói rõ về nguồn gốc của tên lửa Patriot được sử dụng để bắn hạ Il-76 trong thông tin hôm 1/2, trong đó Mỹ, Đức và Hà Lan đều được biết là đã cung cấp tên lửa cho Kiev vào năm 2023.

Trong tuyên bố hôm 31/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin không cho biết động cơ của Kiev trong việc tấn công chiếc máy bay chở 65 tù binh Ukraine cùng với 9 nhân viên phi hành đoàn và quân cảnh Nga trên máy bay, nhưng suy đoán rằng cuộc tấn công có thể là một hành động đánh lạc hướng hoặc một hành động khiêu khích nhằm gây ra phản ứng cực đoan của Nga.

Vũ khí 'rất phức tạp'

"Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng có quân nhân Mỹ, Israel hoặc một số quân nhân châu Âu ở Ukraine hoặc các nhà thầu là chuyên gia trong việc sử dụng hệ thống Patriot. Đội ngũ vận hành một hệ thống Patriot có hơn 90 người. Nó rất phức tạp", cựu sĩ quan Lầu Năm Góc và Cơ quan An ninh Quốc gia, đồng thời là Trung tá Không quân đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski nói.

Nhận định được bà Kwiatkowski đưa ra với hãng RIA khi được hỏi liệu có khả năng có sự giám sát trực tiếp nào đó của Mỹ đối với hệ thống tên lửa Patriot đã bắn rơi Il-76 hay không.

"Các kíp chiến đấu Phòng không Ukraine đã hoàn thành một khóa học cấp tốc kéo dài 10 tuần về những kiến thức cơ bản về vận hành hệ thống Patriot vào mùa xuân năm ngoái, như vậy đơn giản là "không đủ thời gian" để tìm hiểu tất cả các chi tiết của một hệ thống vũ khí phức tạp như Patriot, chưa kể đến việc áp dụng kiến thức thu được trong quá trình huấn luyện, diễn tập và chiến đấu.

Kinh nghiệm của tôi với các nhà thầu và hệ thống vũ khí là họ không muốn hệ thống của mình bị hỏng hoặc xử lý sai trên chiến trường.

Chính vì vậy, luôn luôn có giai đoạn chuyển tiếp đào tạo. Rất có thể trong trường hợp bắn hạ Il-76, kíp chiến đấu là các chuyên gia Mỹ, châu Âu hoặc Israel trực tiếp thực hiện", sĩ quan Mỹ nói.

Nhà thầu Mỹ trên thực địa?

Kwiatkowski nói, không có gì quá xa vời khi tưởng tượng rằng có những người Mỹ ở Ukraine phục vụ trong quân ngũ, đồng thời chỉ ra xác nhận của Lầu Năm Góc vào tháng 11 năm 2022 rằng một "số lượng nhỏ" lính Mỹ đang hoạt động ở Ukraine để "kiểm tra" viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine.

"Chúng tôi biết họ ở đó", Kwiatkowski nói. "Có ai trong số những người Mỹ này liên quan đến khẩu đội Patriot đó không? Tôi nghĩ vậy. Đây là những hệ thống cực kỳ đắt tiền. Mặc dù vậy, chúng dễ bị tổn thương. Dễ bị ảnh hưởng bởi cả lỗi vận hành và trục trặc.

Vì vậy, sẽ không phù hợp với chính sách của Mỹ, chính sách quân sự của Mỹ nếu chỉ gửi những hệ thống trị giá hàng tỷ đô la này với giá 1 triệu đô la cho mỗi tên lửa mà không có bất kỳ sự giám sát nào", Kwiatkowski nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng Lầu Năm Góc không muốn lãng phí việc mình đầu tư bằng cách làm như vậy.

Lầu Năm Góc có biết tên lửa Patriot được bắn ở Ukraine vào ngày 24/1?

Kwiatkowski tự tin rằng Lầu Năm Góc có thông tin tình báo trực tiếp về vụ tấn công máy bay Il-76 của Nga ngày 24/1.

"Về mặt công nghệ, chúng tôi có hệ thống giám sát ở cấp cao nhất. Chúng tôi đang giám sát mọi thứ diễn ra trên biển, đất liền và trên không trong khu vực đó. Máy bay và thiết bị của chúng tôi đang theo dõi những gì xảy ra.

Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa rằng khi tên lửa Patriot đó, một trong hai trong hệ thống đó, được phóng nhằm vào chiếc máy bay Il-76, chắc chắn rằng chính phủ Mỹ, Lầu Năm Góc, biết ngay rằng nó đã được phóng. Bây giờ, câu hỏi là họ có biết nó được phóng để chống lại cái gì không? Đó sẽ là cốt lõi của câu hỏi này", sĩ quan Mỹ lưu ý.

Kwiatkowski không loại trừ rằng sự cố Il-76 tuần trước là một vụ bắn hạ vô tình của người Ukraine, kết quả của một thông tin sai lệch, hoặc một kiểu khiêu khích lệch lạc nào đó "về cơ bản là đảm bảo rằng không ai trong số những người trên máy bay đó có thể nói bất cứ điều gì với giới truyền thông, bởi vì có thể những gì họ nói sẽ không tạo được uy tín cho Kiev hoặc trận chiến mà họ vẫn đang cố gắng chiến đấu".

Nhà quan sát tóm tắt, nếu việc bắn hạ Il-76 có chủ đích, nó sẽ gửi một thông điệp đáng lo ngại rằng chính quyền Ukraine "thậm chí không còn kiểm soát được tình hình của đất nước họ nữa".

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-huong-linh-my-chi-huy-vu-il-76-bi-ban-roi-post670844.html