Tinh gọn bộ máy: Yêu cầu tất yếu
(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, công tác sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam theo hướng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt, đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tinh thần này tiếp tục được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh với quan điểm “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Đây là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo và quản lý; điều tiết các nguồn lực phục vụ sự phát triển; sớm đưa Việt Nam trở thành nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm, gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Bởi công việc này liên quan đến con người, đến lợi ích của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Để tạo nên sự đồng tình, thống nhất trong cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức rõ đây là vấn đề tất yếu phải thực hiện. Có như vậy mới đạt được mục đích lớn lao vì sự nghiệp chung, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền trao các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm 6 chi cục trưởng các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: TL
Tính tất yếu được khẳng định trong suốt quá trình xây dựng và phát triển nhà nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới cũng như ở Việt Nam, vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy và biên chế luôn được đặt ra. Lúc sinh thời, xây dựng nhà nước kiểu mới được V.I.Lênin đặc biệt quan tâm, coi là vấn đề trụ cột trong xây dựng chế độ xã hội mới. Một luận điểm nổi tiếng của V.I.Lênin nêu ra đó là: “Thà ít mà tốt”. Điều đó thể hiện rõ quan điểm về một kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa phải tinh gọn, phải đảm bảo chất lượng tốt.
Để thực hiện quy tắc “Thà ít mà tốt”, V.I.Lênin nhận thức rõ sự khó khăn: “Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn”. Dù biết rất khó khăn, song không thể không thực hiện, bởi “chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”... Tất cả những điều đó là cơ sở để “xây dựng một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sắp xếp tổ chức bộ máy được thể hiện: Bộ máy phải gọn gàng, nhiệm vụ phải rõ ràng, năng suất phải cao. Đây là một vấn đề Người luôn trăn trở trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được thành lập năm 1946, khi ấy chỉ có 10 bộ. Quan điểm của Người là sao cho gọn nhẹ hợp thời chiến nhưng đảm bảo tính đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đưa ra các thuật ngữ về tinh giản, gọn gàng bộ máy: “Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là đưa năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”. Vấn đề này, Người cũng khẳng định trong bài viết “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản)... Lênin đã nhắc đi, nhắc lại hàng chục lần rằng: Công nhân và nông dân không thể chịu đựng những cơ quan kềnh càng và tốn kém như vậy”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tinh gọn bộ máy để các cơ quan khỏi “kềnh càng và tốn kém” không phải là sự “cắt bỏ cơ học”, mà là sự tổ chức một cách khoa học, bài bản; phải như một chiếc đồng hồ, như một cỗ máy, không để các bộ phận thừa, không để người dôi dư. Người cho rằng: “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”. Vì yêu cầu tinh gọn nhưng phải hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ, vậy nên người lãnh đạo phải biết “dụng nhân như dụng mộc”, tức biết sử dụng đúng người, đúng việc, đúng sở trường. Và đặc biệt, Người yêu cầu mọi cán bộ phải nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”.
Kế thừa quan điểm của V.I. Lênin, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị, cải cách hành chính, tinh giản biên chế... Trong giai đoạn hiện nay, từ những năm đầu của thế kỷ XXI, vấn đề này đã được đặt ra để tổ chức thực hiện, song thực tế chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Cụ thể, năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16 về tinh giản biên chế, sau hơn 10 năm thực hiện, số lượng biên chế không giảm mà còn tăng thêm khoảng 20%. Vì vậy, năm 2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, chúng ta đã đạt mục tiêu đến năm 2021 tinh giản hơn 10% biên chế.
Tuy nhiên, số lượng biên chế cả nước hiện vẫn còn lớn, bộ máy vẫn cồng kềnh, ngân sách chi cho bộ máy và trả lương chiếm khoảng hơn 65% tổng ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước (thống kê của Bộ Tài chính). Nhìn ra bên ngoài, so sánh với một số quốc gia khác, tỷ lệ biên chế của Việt Nam khá cao.
Như vậy, cả từ lý luận và thực tiễn cho thấy, tất yếu chúng ta phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Cần quán triệt sâu sắc phương châm “Thà ít mà tốt” của V.I.Lênin; bộ máy phải gọn gàng, nhiệm vụ phải rõ ràng, năng suất phải cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này. Có như vậy, đất nước ta mới nhanh chóng giảm chi phí nuôi bộ máy; nâng chế độ lương cho cán bộ, công chức, viên chức; điều tiết các nguồn lực phục vụ sự phát triển; sớm đưa Việt Nam trở thành nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.