Tinh gọn bộ máy: Hành động quyết liệt để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích về hiệu quả quản lý, tiết kiệm ngân sách và cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân, nhiều địa phương đã có những hành động quyết liệt.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Minh Huệ/TTXVN

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Minh Huệ/TTXVN

Thành phố Hải Phòng mới sẽ có 45 phường, 67 xã và 2 đặc khu

Chiều 28/4, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, HĐND thành phố Hải Phòng tổ chức Kỳ họp thứ 25 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng, cấp bách theo thẩm quyền.

Tại kỳ họp này, HĐND thành phố Hải Phòng đã tập trung thảo luận, cho ý kiến và nhất trí thông qua 7 Nghị quyết quan trọng với tỷ lệ tán thành tuyệt đối, trong đó đặc biệt là việc thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất tỉnh Hải Dương với thành phố Hải Phòng.

Việc thông qua các phương án sắp xếp này thể hiện tinh thần quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng, nhằm thực hiện nghiêm túc, kịp thời chủ trương của Trung ương về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.

Nghị quyết "Về việc thông qua chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng" nêu rõ: Thông qua chủ trương hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Hải Dương và diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thành phố Hải Phòng.

Thành phố Hải Phòng mới có diện tích tự nhiên 3.194,72 km², quy mô dân số 4.664.124 người và 114 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 45 phường, 67 xã và 2 đặc khu).

Thành phố Hải Phòng mới phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh và Vịnh Bắc Bộ; phía Tây giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang (tỉnh Bắc Ninh mới) và phía Nam giáp tỉnh Thái Bình (tỉnh Hưng Yên mới).

Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, thành phố Hải Phòng.

Ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, việc hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã lần này không chỉ đơn thuần là việc gộp cơ học, mà đặt trọng tâm vào việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy nguồn lực địa phương, tạo điều kiện để xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, các địa phương trên địa bàn toàn thành phố đã tiến hành rà soát, tổ chức lấy ý kiến cử tri một cách dân chủ, công khai và minh bạch, với kết quả đồng thuận rất cao, nhiều nơi đạt trên 99% cử tri nhất trí phương án sắp xếp đơn vị hành chính. Đây chính là cơ sở chính trị - xã hội quan trọng để HĐND thành phố Hải Phòng xem xét, quyết nghị thông qua phương án sắp xếp trong kỳ họp lần này.

Vĩnh Phúc sắp xếp còn 36 đơn vị hành chính cấp xã

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết của kỳ họp. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 24 thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp, hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay từ 121 xã, phường, thị trấn xuống còn 36 đơn vị, giảm 85 đơn vị.

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp, hợp nhất tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình. Thành lập tỉnh Phú Thọ trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình, đặt trung tâm chính trị tại Việt Trì. Tỉnh Phú Thọ sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 9.361,381 km2, dân số 4.022.638 người và có 148 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc tỉnh.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Kết quả tổng hợp cho thấy nhân dân đồng thuận cao với chủ trương sắp xếp, hợp nhất với 2 tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. HĐND cấp xã, cấp huyện cũng đã tổ chức kỳ họp, biểu quyết về chủ trương sắp xếp, hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 với 100% đại biểu đồng ý.

Bình Thuận thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh

Chủ tọa kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Thanh/ TTXVN

Chủ tọa kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Thanh/ TTXVN

Chiều 28/4, HĐND tỉnh Bình Thuận (khóa XI) tổ chức Kỳ họp lần thứ 34 (chuyên đề) nhằm thông qua một số nghị quyết quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tại kỳ họp, các đại biểu thảo luận và biểu quyết tán thành Nghị quyết về việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Thuận năm 2025. Sau khi sắp xếp, tỉnh Bình Thuận có 45 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 36 xã, 8 phường và 1 đặc khu Phú Quý); giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã, đạt 62,80%.

Các đại biểu cũng thảo luận Nghị quyết về việc thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông. Trên cơ sở nghiên cứu về lịch sử hình thành, đánh giá thực trạng đơn vị hành chính của các tỉnh theo các tiêu chí: Diện tích tự nhiên, quy mô dân số, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, quy mô phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế..., UBND tỉnh đã xây dựng, triển khai lấy ý kiến nhân dân và các sở, ngành, địa phương đối với “Đề án sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng” và đã có sự thống nhất cao.

Theo các đại biểu, Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng là cần thiết, đảm bảo cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhằm giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, thực hiện mô hình địa phương hai cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới.

Tại kỳ họp, đại biểu đã biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận, tỉnh Đắk Nông thành tỉnh Lâm Đồng, trực thuộc Trung ương, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay, có diện tích tự nhiên 24.233,07 km2 và quy mô dân số 3.872.999 người.

Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Quy trình xây dựng Đề án sáp nhập đơn vị hành chính được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm theo đúng quy định từ khâu tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua chủ trương của HĐND cấp xã, cấp huyện. Sau kỳ họp này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các nghị quyết được thông qua bảo đảm đúng trình tự, quy định của pháp luật; hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo đúng kế hoạch, thời gian quy định; đảm bảo tiến độ chung để trình hồ sơ Đề án cho Bộ Nội vụ trước ngày 1/5/2025; chuẩn bị đầy đủ cơ sở, tiền đề cho việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay kể từ ngày 1/7/2025.

Hợp nhất Báo Hải Dương và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương

Trao quyết định hợp nhất Báo Hải Dương và Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Trao quyết định hợp nhất Báo Hải Dương và Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Chiều 28/4, Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hợp nhất Báo Hải Dương và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương và các quyết định về công tác cán bộ.

Theo đó, Báo Hải Dương và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương được hợp nhất thành Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương. Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương có Tổng biên tập, các Phó Tổng biên tập và 10 phòng chuyên môn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cũng đã công bố và trao quyết định Tổng biên tập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương cho ông Nguyễn Hải Bình, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương. Sáu Phó Tổng biên tập Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương là Nguyễn Quý Trọng, Nguyễn Tiến Bình, Nguyễn Minh Nghĩa, Đặng Đình Long, Nguyễn Hùng Chương, Nguyễn Thị Thanh Mai.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu đề nghị, thời gian tới, Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Dương cần sớm ổn định tổ chức bộ máy, đoàn kết, tiếp tục tập trung tuyên truyền các chủ trương lớn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy; đồng thời, phản ánh những nỗ lực trong cải cách hành chính, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cũng như cần kịp thời tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của người dân tới các cấp ủy, chính quyền.

TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tinh-gon-bo-may-hanh-dong-quyet-liet-de-nang-cao-chat-luong-phuc-vu-nhan-dan-20250428222515205.htm