Tin tức kinh tế ngày 20/5/2024: giá vàng đồng loạt tăng mạnh

Giá vàng đồng loạt tăng mạnh; xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thu về hơn 500 triệu USD; thủ tướng yêu cầu phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 20/5

Giá vàng đồng loạt tăng mạnh

Giá vàng thế giới trong ngày 20/5 giao ngay ở mức 2.437,28 USD/ounce, so với phiên giao dịch cùng giờ ngày hôm qua đã tăng hơn 22 USD/ounce.

Tin tức kinh tế ngày 20/5/2024: giá vàng đồng loạt tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Tin tức kinh tế ngày 20/5/2024: giá vàng đồng loạt tăng mạnh. Ảnh minh họa.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 20/5, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 89 – 91 triệu đồng/lượng, tăng nóng 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng mạnh 600.000 đồng/lượng bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 89 – 90,5 triệu đồng/lượng, tăng nóng 1,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng mạnh 700.000 đồng/lượng bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 76,13 – 77,63 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 410.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng mạnh 510.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn thu về hơn 500 triệu USD

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 4 đạt 183.361 tấn với trị giá hơn 80 triệu USD. Lũy kế trong 4 tháng đầu năm 2024, mặt hàng này đã thu về hơn 510 triệu USD với hơn 1,1 triệu tấn, giảm nhẹ 3,5% về lượng nhưng tăng đến 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của sắn Việt Nam khi sản lượng và trị giá chiếm đến 91% của cả nước. Cụ thể trong 4 tháng, nước ta xuất sang Trung Quốc 1,054 triệu tấn sắn với trị giá hơn 470 triệu USD, tăng nhẹ 0,2% về lượng nhưng tăng 18% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 446 USD/tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất

Chính phủ cũng xác định, tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, với tổng số tiền dự kiến khoảng 98.000 tỷ đồng; trong đó, giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Ngân hàng Nhà nước đã tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho ngành lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng và đang xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho ngành lúa gạo; kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024.

Cùng với đó là việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách Nhà nước; mở rộng cơ sở thu; thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên…

Tín dụng tăng trưởng thấp

Báo cáo phân tích về kết quả kinh doanh quý I/2024 ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán MBS cho thấy: Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết tăng 9,6% so với cùng kỳ trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp.

Tổng thu nhập hoạt động các ngân hàng niêm yết trong quý I/2024 tăng khiêm tốn 7,6% so với cùng kỳ trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 8,1% và 5,6% so với cùng kỳ. Ước tính cuối quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết chỉ đạt 1,9% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với con số 3,9% cùng kỳ.

Biên lãi ròng (NIM) trung bình toàn ngành ở mức 3,4%, giảm 20 điểm cơ bản so với cùng kỳ và giảm 9 điểm cơ bản so với quý IV/2023 nhờ chi phí vốn giảm mạnh hơn so với tỷ suất sinh lợi tài sản.

Chỉ số hoạt động CIR trung bình các ngân hàng giảm xuống mức 31,6% trong quý I/2024 so với mức 32% của quý I/2023, đưa lợi nhuận trước dự phòng tăng 1,9%. Chi phí trích lập tăng 5,4% so với cùng kỳ đưa lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết tăng 9,6% so với cùng kỳ, trong đó, nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước tăng 0,6%, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân tăng 14,9%.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác, trong đó lưu ý bám sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới và việc điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cần làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại lớn ngoài nhà nước để chỉ đạo, yêu cầu thực hiện có hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội...

Đồng thời, điều hành nghiệp vụ thị trường mở, cung ứng tiền... hiệu quả, linh hoạt, bám sát mục tiêu chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.

Đoàn Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-20-5-2024gia-vang-dong-loat-tang-manh.html