Tin nóng công nghệ 15/7: Google thực hiện thay đổi lớn với Android; iPhone gập sẽ có giá mềm
Google thực hiện một sự thay đổi bất ngờ với Android; iPhone gập được cho là có giá mềm; NVIDIA tiếp tục bán chip cho Trung Quốc; hình ảnh chụp Mặt Trời gần nhất... là tin KHCN nổi bật ngày 15/7.
1. iPhone gập đầu tiên của Apple có thể rẻ hơn dự đoán

Ảnh dựng mẫu iPhone gập. Ảnh: Phone Arena
Theo dự báo từ UBS, Apple sẽ ra mắt chiếc iPhone gập dạng "book-style" vào năm 2026 với mức giá từ 1.800 - 2.000 USD, thấp hơn dự kiến ban đầu (2.000 - 2.400 USD). Dự kiến, chi phí linh kiện của máy chỉ khoảng 759 USD, nhờ Apple tiết giảm chi phí bộ nhớ, chip xử lý và mô-đun camera.
Sản lượng đợt đầu sẽ giới hạn từ 10–15 triệu máy. Samsung Display sẽ cung cấp màn hình OLED 7 inch chính, còn Foxconn đóng vai trò lắp ráp chính. Các linh kiện như vỏ titan, bản lề kim loại lỏng sẽ do Lens Technology, Amphenol và Luxshare cung cấp.
UBS nhận định bước đi chậm của Apple giúp hãng tận dụng công nghệ màn hình gập đã trưởng thành để tối ưu chi phí và chất lượng. Biên lợi nhuận của iPhone Fold dự kiến đạt 53 - 58%, ngang với các mẫu máy gập của Samsung. Apple được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xu hướng điện thoại, tablet, laptop màn hình gập trong tương lai.
2. Google xác nhận sẽ hợp nhất Chrome OS và Android thành một nền tảng duy nhất

Ảnh minh họa: Phone Arena
Trong một phát ngôn chính thức, Sameer Samat – Chủ tịch hệ sinh thái Android tại Google – xác nhận công ty đang tích hợp Chrome OS vào Android, tạo nên một nền tảng thống nhất cho điện thoại, máy tính bảng, laptop và thiết bị XR. Google sẽ sử dụng Android làm nền tảng chính và dần đưa các tính năng từ Chrome OS vào, như chế độ desktop, đa nhiệm cửa sổ và hỗ trợ màn hình ngoài.
Mục tiêu là tăng hiệu quả phát triển, tối ưu trải nghiệm người dùng trên màn hình lớn và giảm sự phân mảnh hệ điều hành. Dự án dự kiến sẽ bước đầu hoàn thiện vào cuối năm 2025 với dòng thiết bị Pixel ra mắt năm 2026. Động thái này đánh dấu bước phát triển chiến lược dài hạn của Google trong việc củng cố Android, cạnh tranh ngang tầm iPadOS của Apple.
3. Thị trường smartphone toàn cầu tăng trưởng chậm trong Quý 2 do bất ổn kinh tế

Các mẫu iPhone được bày bán tại Apple Store ở New York. Ảnh: Reuters
Theo báo cáo sơ bộ từ IDC, lượng xuất xưởng smartphone toàn cầu chỉ tăng nhẹ 1% trong quý II/2025, đạt 295,2 triệu máy, giảm so với mức tăng 1,5% của quý trước. Nguyên nhân chủ yếu là người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dưới áp lực từ các biện pháp thuế quan Mỹ và căng thẳng vĩ mô . Ở Trung Quốc, dù có trợ cấp từ chính phủ, nhu cầu vẫn suy giảm, khiến Apple giảm 1% tại thị trường này.
Samsung dẫn đầu với mức tăng 7,9%, đạt 58 triệu thiết bị, trong khi Apple tăng nhẹ 1,5%, giữ vững vị trí thứ hai. IDC nhận định tăng trưởng 1% là dấu hiệu tích cực, cho thấy thị trường có thể đang hồi phục, sau khi có lần điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm từ 2,3% xuống 0,6% vào tháng 5. Các hãng điện thoại đang tập trung trang bị tính năng AI lên các mẫu giá thấp hơn để bù đắp cho lượng máy bán chậm.
4. NVIDIA tái khởi động bán chip H20 tại Trung Quốc

Ảnh minh họa: Reuters
NVIDIA vừa thông báo sẽ nối lại việc bán chip AI H20 cho thị trường Trung Quốc, sau khi nhận được cam kết cấp giấy phép từ chính phủ Mỹ với kỳ vọng được phê duyệt sớm và bắt đầu giao hàng ngay lập tức.
Trước đó, chip H20, được điều chỉnh riêng cho Trung Quốc, bị cấm bán từ tháng 4/2025, khiến NVIDIA phải ghi nhận khoản lỗ 5,5 tỷ USD hàng tồn kho và mất khoảng 15 tỷ USD doanh thu tiềm năng.
Bên cạnh đó, công ty cũng giới thiệu một mẫu GPU mới mang tên RTX Pro, xây dựng trên kiến trúc Blackwell và được thiết kế hợp lệ theo quy định xuất khẩu của Mỹ, chủ yếu hướng đến ứng dụng AI trong sản xuất và logistics. Động thái này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Washington – Bắc Kinh có dấu hiệu hạ nhiệt: Trung Quốc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm, còn Mỹ dỡ bỏ hạn chế phần mềm thiết kế chip.
5. Tổng thống Trump công bố gói đầu tư 70 tỷ USD cho AI và năng lượng

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến công bố một gói đầu tư trị giá 70 tỷ USD tập trung vào AI và năng lượng tại sự kiện Pennsylvania Energy and Innovation Summit. Gói đầu tư này gồm phát triển trung tâm dữ liệu, nâng cấp lưới điện và mở rộng sản xuất năng lượng, đi kèm các chương trình đào tạo và nghề nghiệp về AI.
Đây là bước đi nhằm thúc đẩy vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI, đồng thời tạo thêm hàng nghìn việc làm trong lĩnh vực năng lượng, được kỳ vọng góp phần hồi sinh các khu vực công nghiệp cũ như Aliquippa. Dự án có sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như Amazon Web Services, ExxonMobil, BlackRock và SoftBank.
6. NASA công bố những bức ảnh gần Mặt Trời nhất từ trước đến nay

Hình ảnh gần nhất bề mặt Mặt Trời. Ảnh: NASA
NASA vừa phát hành bộ ảnh chụp Mặt Trời gần nhất trong lịch sử, được thực hiện bởi Tàu thăm dò Parker Solar Probe khi đi vào vùng khí quyển ngoài của ngôi sao - khoảng 6,1 triệu km vào ngày 24/12/2024. Những hình ảnh này được ghi lại bằng thiết bị WISPR (Wide‑Field Imager for Solar Probe), cho thấy cấu trúc rõ nét của gió Mặt Trời, các cơn bão Plasma (CME) va chạm, cùng các đặc điểm như Switchbacks – những thay đổi đột ngột trong từ trường.
Đây là bước tiến then chốt giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về quá trình hình thành gió Mặt Trời và dự báo khí hậu vũ trụ, hỗ trợ bảo vệ công nghệ vệ tinh và mạng lưới điện trên Trái Đất.