Tin ngân hàng ngày 24/5: Mở tài khoản trực tuyến sẽ phải sử dụng CCCD gắn chip

Tỷ giá vẫn tăng dù NHNN đã bán can thiệp ngoại tệ; VIB tổ chức Livestream mở thẻ, mua sắm ưu đãi đến 65%; ACB chốt thời gian trả cổ tức bằng tiền mặt… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Mở tài khoản ngân hàng trực tuyến sẽ phải sử dụng CCCD gắn chip

Chiều 23/5, thảo luận tại Hội trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Về vấn đề đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phản ánh, cử tri phát hiện một số tài khoản không chính chủ thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp ngăn chặn và hạn chế tình trạng này, đó là thường xuyên rà soát chỉnh sửa, cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Vừa qua, NHNN đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 về thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN cũng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản, bổ sung một số quy định rất chặt chẽ khi người dân mở tài khoản tại ngân hàng phải sử dụng căn cước công dân có gắn chip; trường hợp không có căn cước công dân gắn chip phải đến trực tiếp mở tài khoản để xác định chính chủ.

Đồng thời, NHNN cũng đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN yêu cầu áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/một giao dịch hoặc giá trị trên 20 triệu đồng/ngày, giúp xác thực khách hàng và hạn chế việc sử dụng tài khoản không chính chủ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Quyết định này yêu cầu các TCTD thực hiện từ ngày 01/7/2024.

Thời gian qua, NHNN cũng chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác phòng chống, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử và định danh eKYC; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải triển khai các giải pháp theo dõi việc giao dịch, kiểm soát đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ, để có giải pháp phù hợp.

Đặc biệt, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, như phối hợp kiểm tra việc thực hiện mở, sử dụng tài khoản thanh toán; tổ chức hội nghị về an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán; đặc biệt ký kết giữa NHNN và Bộ Công an để yêu cầu các TCTD thực hiện Đề án 06 về kết nối dữ liệu của công dân, làm sạch dữ liệu để hạn chế tình trạng tài khoản không chính chủ…

Tỷ giá vẫn tăng dù NHNN đã bán can thiệp ngoại tệ

Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.258 VND/USD, tăng 4 đồng so với mức niêm yết hôm 22/5. Đây là phiên điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thứ tư liên tiếp của NHNN với tổng mức tăng là 19 đồng. Trong khi đó, giá bán USD can thiệp tiếp tục được NHNN giữ ở mức 25.450 VND/USD.

Với biên độ áp dụng biên 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch dao động trong khoảng 23.045 - 25.471 VND/USD.

Trên thị trường ngân hàng, giá bán USD tại các nhà băng trong sáng nay tiếp tục được điều chỉnh tăng theo biến động của tỷ giá trung tâm, lên sát trần cho phép.

Theo đó, tất cả ngân hàng được khảo sát đều tăng giá bán USD lên mức 25.470 VND/USD, chỉ kém trần cho phép 1 đồng. Chênh lệch 1 đồng mang tính hình thức này cho thấy áp lực tăng tỷ giá vẫn còn lớn, đồng thời với việc giá bán USD của các ngân hàng liên tục cao hơn giá bán can thiệp phản ánh sức ép đối với dự trữ ngoại hối.

Tình trạng giá USD tại các ngân hàng kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép đã diễn ra trong suốt gần 1 tháng qua, dù NHNN đã liên tục thực hiện bán ngoại tệ can thiệp. Lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán cho các ngân hàng thương mại đến hết ngày 22/5 đã vào khoảng 3 tỷ USD.

Giá bán chạm trần, một số ngân hàng đã chuyển hướng sang điều chỉnh tăng mạnh giá mua trong những phiên gần đây. Hiện nay, chênh lệch giá mua – giá bán tại các ngân hàng đã giảm về còn khoảng 200 – 230 đồng/USD, thấp hơn nhiều so với 330 – 370 đồng/USD cách đây 1 tháng.

Thông thường khi biến động tỷ giá tăng, chênh lệch giá mua - bán cũng tăng để bù cho rủi ro biến động lên xuống. Chênh lệch này giảm khiến các ngân hàng chịu nhiều rủi ro hơn và khó đưa ra quyết định mua bán, vì vậy có xu hướng làm giảm thanh khoản giao dịch ngoại hối trên thị trường. Bên cạnh đó, chênh lệch giá mua – bán giảm cũng cho thấy áp lực tỷ giá vẫn còn khá căng thẳng.

Trong bối cảnh tỷ giá vẫn nóng, NHNN đã tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu phiên 22/5. Theo đó, lãi suất cho vay trên kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm trong phiên trước đó lên 4,5%/năm. Đồng thời, lãi suất trúng thầu cũng tăng từ 3,9%/năm lên 4%/năm.

VIB tổ chức Livestream mở thẻ, mua sắm ưu đãi đến 65%

Livestream "Siêu thẻ Siêu deal - Trọn deal Chị đẹp" của VIB sẽ tổ chức vào tối 24/5, kéo dài 3 tiếng (19h30 - 22h30) trên đa nền tảng mạng xã hội, hứa hẹn khuấy đảo cộng đồng đam mê săn sale bằng loạt deal giảm đến 65%.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi livestream định kỳ được VIB triển khai nhằm tăng điểm chạm với khách hàng. Chia sẻ về hoạt động thú vị này, bà Tường Nguyễn - Giám đốc Khối Thẻ VIB cho hay: "Mua sắm trực tuyến đã vượt ra ngoài một xu hướng, trở thành thói quen phổ biến của các công dân số. VIB mong muốn vượt lên trên một chiếc thẻ thanh toán thông thường, trở thành bạn đồng hành giúp chủ thẻ tiết kiệm cả tiền bạc và thời gian, từ đó luôn hài lòng trong từng trải nghiệm mua sắm. Chính động lực này đã thúc đẩy VIB trên cả 2 phương diện: hợp tác với các thương hiệu cao cấp để thiết kế ưu đãi cho khách hàng, đồng thời triển khai trên đa nền tảng bằng nhiều hình thức để lan tỏa thông tin đến mọi người".

Tại buổi livestream sẽ diễn ra vào cuối tuần này, hàng trăm deal cực xịn giảm giá đến 65% cho đa dạng sản phẩm thuộc các ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, du lịch, ẩm thực sẽ giúp chủ thẻ tín dụng VIB có nhiều trải nghiệm mua sắm thú vị và tối ưu chi phí.

Loạt ưu đãi đậm sâu này sẽ được áp dụng cho 3 dòng thẻ chuyên mua sắm dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau của VIB trong khuôn khổ livestream tối 24/5.

Ngay khi mở thẻ thành công, khách hàng VIB sẽ nhận ngay các ưu đãi đến từ 10 thương hiệu đình đám với ưu đãi tới 65% từ vali Mia, 63% từ mỹ phẩm Murad, ưu đãi 1 triệu đồng cho máy sấy và tạo kiểu tóc Dyson… Vô số quà tặng trị giá hơn 1,5 triệu đồng của Laneige, nước hoa Narciso và Issey Miyake; voucher du lịch 500.000 đồng của TransViet; giảm đến 30% khi mua áo Lacoste, phụ kiện Floralpunk… cũng được áp dụng cho những người dùng mới của VIB.

Ngoài mức giảm giá trực tiếp đến 65%, chủ thẻ VIB Online 2in1 còn được hoàn tiền tới 6% khi thanh toán, chủ thẻ VIB Super Card nhận hoàn đến 15% theo danh mục đăng ký chi tiêu chính, trong khi chủ thẻ VIB IvyCard được hoàn 1% cho mọi giao dịch.

Đặc biệt, 100 khách hàng mở mới thành công thẻ tín dụng VIB qua đường dẫn được cung cấp trong buổi livestream sẽ được miễn phí thường niên trọn đời không điều kiện và tất cả khách hàng còn lại được miễn phí thường niên năm đầu tiên.

ACB chốt thời gian trả cổ tức bằng tiền mặt

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2023 bằng tiền và cổ phiếu là ngày 3/6/2024.

ACB chốt thời gian trả cổ tức bằng tiền mặt /Ảnh minh họa

ACB chốt thời gian trả cổ tức bằng tiền mặt /Ảnh minh họa

Theo đó, ACB sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỉ lệ 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến là ngày 13/6. Với hơn 3,8 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền mà ACB dự kiến phải chi để chia cổ tức là 3.884 tỷ đồng.

Theo báo cáo quản trị năm 2023, Chủ tịch HĐQT ACB là ông Trần Hùng Huy đang sở hữu hơn 133 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,43% vốn dự kiến sẽ nhận về 133 tỷ đồng từ đợt trả cổ tức này.

Bên cạnh đó, ACB cũng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới). Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành thêm hơn 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu chưa được công bố.

Sau khi hoàn thành chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến sẽ tăng từ 38.840 tỷ đồng lên hơn 44.666 tỷ đồng, tăng thêm tối đa 5.826 tỷ đồng

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh, kể từ thời điểm niêm yết trên sàn vào năm 2020 đến nay, ACB luôn đều đặn chi trả cổ tức cho cổ đông theo hình thức tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Trong năm 2023, ngân hàng đã tiến hành trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỉ lệ 10% và trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 15%.

Ngoài ACB, trong tháng 5, đã có 3 ngân hàng khác chốt thời gian trả cổ tức tiền mặt là VPBank, Techcombank và MB.

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-245-mo-tai-khoan-truc-tuyen-se-phai-su-dung-cccd-gan-chip-711720.html