Tin ngân hàng ngày 22/5: Tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng tăng mạnh

Ngân hàng Indovina rao bán khoản nợ của đại gia 'Đường bia'; Giao dịch thẻ tín dụng tăng cao; Agribank cung ứng vốn ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng tăng mạnh

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có xu hướng tăng mạnh tại các nhà băng khi lãi suất tiết kiệm giảm sâu. Dòng tiền rẻ bắt đầu có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư nên muốn gửi tạm ngân hàng hưởng lãi suất không kỳ hạn, thay vì kỳ hạn dài như trước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kết thúc quý đầu năm nay, Techcombank tiếp tục duy trì danh hiệu quán quân về CASA với tỷ lệ 40,5%, tăng 0,6% so với cuối năm ngoái, đồng thời soán ngôi dẫn đầu của MB về CASA trong quý cuối năm rồi.

Còn MB đứng vị trí thứ hai với tỷ lệ CASA đạt 36,1% tính đến hết quý I/2024. MB từng soán ngôi dẫn đầu CASA của Techcombank vào cuối năm 2023, nhưng lại có sự điều chỉnh nhẹ trong quý đầu năm nay.

Trước đó, tỷ lệ CASA đạt 40,1% cuối năm 2023, giữ vững ngôi vị quán quân về CASA năm thứ 2 liên tiếp. Đồng thời, tổng tiền gửi khách hàng tại MB giảm 1,5% trong quý I/2024, xuống 558.826 tỷ đồng.

Vietcombank xếp thứ ba trong hệ thống về CASA tính đến hết quý I/2024, với tỷ lệ 33,2%, nhưng giảm 0,7% so với cuối năm 2023.

Những vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng CASA lần lượt thuộc về các ngân hàng: MSB, TPBank, VietinBank, ACB, BIDV, Sacombank và VPBank. Tuy nhiên, Top 10 CASA không có thay đổi so với thời điểm ba tháng trước.

Nhìn chung hàng loạt nhà băng khác cũng ghi nhận tỷ lệ CASA phục hồi trở lại. Đơn cử như tại MSB, ước tính kết thúc quý I/2024, tỷ lệ CASA đạt khoảng 29%, tăng 3% so với cuối năm 2023.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM đánh giá, do lãi suất thấp, mọi người cũng không có động cơ gửi tiết kiệm nhiều, mà giữ tiền trong tài khoản thanh toán, chờ cơ hội chuyển sang những kênh khác.

Ngân hàng Indovina rao bán khoản nợ của Đại gia "Đường bia"

Mới đây, Ngân hàng TNHH Indovina (IVB) vừa thông báo chào bán 5 khoản nợ có tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản tại Hội An. Tổng giá bán nợ hơn 1.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong danh sách này, có khoản nợ hơn 482 tỷ đồng của CTCP Đường Man - một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hòa Bình của ông Nguyễn Hữu Đường (thường được biết đến với tên gọi Đường "Bia"), có tài sản là bất động sản và cổ phiếu.

Về cách thức chào mua khoản nợ, IVB bán toàn bộ khoản nợ với nguyên trạng khoản nợ, bao gồm: Toàn bộ quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ của Bên bán đối với Bên nợ; quyền xử lý TSBĐ và các quyền lợi ích khác có liên quan theo quy định của pháp luật thuộc quyền sở hữu của Bên bán; kể cả các quyền lợi, nghĩa vụ trước, trong và sau khi mua bán nợ.

Thời gian nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua khoản nợ đến ngày 31/5.

Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, theo báo cáo tình hình tài chính định kỳ trên HNX, năm 2023, Đường Man tiếp tục thua lỗ.

Mức lỗ sau thuế kỳ này đã lên hơn 50 tỷ đồng, trong khi kỳ trước là 33,6 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) ghi nhận -68,71%, con số này trong năm 2022 là -26,95%.

Vốn chủ sở hữu công ty trong năm qua giảm mạnh. Tại thời điểm 31/12/2023, Đường Man ghi nhận 73,9 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, giảm tương ứng 50,8 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 9,7 lần lên mức 15,18 lần, tương ứng nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 của công ty ở mức 1.121,8 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ là 2,71 lần, tăng so với mức 1,6 lần của năm 2022. Như vậy, đến cuối năm 2023, dư nợ trái phiếu của Đường Man gần 200 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, đại gia Đường Bia liên tục gặp khó khăn về tài chính. Được biết, trong cuộc gặp mặt các khách hàng mua căn hộ Da Nang Golden Bay (Hòa Bình Green) sáng 24/1/2024 để giải quyết vấn đề về quyền lợi liên quan, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết ông muốn bán hai khách sạn dát vàng nhưng đều không bán được vì đang kinh doanh lỗ. Cụ thể, ông Đường cho biết "Nếu bán được khách sạn thì tôi cũng đã bán rồi, nhưng hai khách sạn không bán được vì đang kinh doanh lỗ, nhiều phòng trống".

Giao dịch thẻ tín dụng tăng cao

Tại hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt" tổ chức chiều ngày 21/5, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, tính đến tháng 3/2024, có 150,6 triệu thẻ tín dụng đang lưu hành, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có hơn 106,7 triệu thẻ nội địa và 43,9 triệu thẻ quốc tế.

Trong khi đó, giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị khoảng 10 nghìn tỉ đồng, tăng cả về số lượng và giá trị.

Theo ông Dũng, dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận về phát triển thẻ tín dụng nội địa trong năm vừa qua.

Hiện, nước ta có hơn 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa thị trường thẻ tín dụng nội địa, trong thời gian tới NHNN, các thành viên thị trường cần triển khai một số giải pháp.

Một là, tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động thẻ ngân hàng. Triển khai hiệu quả Nghị định số 52 về thanh toán không dùng tiền mặt và các giải pháp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật hoạt động thanh toán.

Hai là, chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Mở rộng hệ sinh thái thanh toán số.

Ba là, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, kết hợp với các chính sách ưu đãi, khuyến mãi.

Bốn là, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cần phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ phí hợp lý; chủ động xây dựng công cụ phát hiện, phòng ngừa gian lận thanh toán.

Năm là, NHNN và các thành viên thị trường tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về phương tiện về thẻ tín dụng nội địa cho khách hàng.

Agribank cung ứng vốn ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Vừa qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024” với quy mô 20.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng ngắn hạn, lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm cùng nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, từ ngày 22/4/2024 đến hết ngày 31/12/2024, Agribank triển khai gói ưu đãi kép “Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024” gồm ưu đãi tín dụng và ưu đãi phi tín dụng. Trong đó, tổng quy mô tín dụng ưu đãi là 20.000 tỷ đồng, áp dụng với các khoản giải ngân ngắn hạn bằng VNĐ, lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm. Ưu đãi dành cho khách hàng pháp nhân và doanh nghiệp tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu có nhu cầu vốn ngắn hạn.

Bên cạnh ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp tham gia chương trình được hưởng ưu đãi lãi suất huy động tiền gửi, ưu đãi thu phí dịch vụ và ưu đãi tỷ giá mua bán ngoại tệ. Agribank giảm phí đối với các loại phí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại và tỷ giá mua bán ngoại tệ… đến hết ngày 30/6/2025.

Đặc biệt, miễn phí thanh toán L/C nhập khẩu, phí thanh toán nhờ thu nhập khẩu, phí thanh toán chuyển tiền ngoại tệ tới 3 tháng giao dịch. Mức lãi suất gửi tiền không kỳ hạn đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia chương trình cao hơn đến 0,3%/năm so với lãi suất hiện hành.

Quý I/2024, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh ở mức hai con số, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Agribank mong muốn ưu đãi từ chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy các tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Từ đầu năm, Agribank dành 95.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp SMEs, khách hàng doanh nghiệp lớn, Tập đoàn/Tổng công ty, tài trợ dự án đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đồng thời, dành hơn 60.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh.

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-ngan-hang-ngay-225-tien-gui-khong-ky-han-co-xu-huong-tang-manh-711592.html