Tín dụng xanh: Hãy để theo cơ chế thị trường!

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam chia sẻ góc nhìn về tài chính xanh và chuyển đổi xanh.

Năng lượng tái tạo đang gặp khó về hệ thống lưu trữ và đường truyền

Năng lượng tái tạo đang gặp khó về hệ thống lưu trữ và đường truyền

Dường như nguồn vốn dành cho tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ nước ngoài. Ông có nhận xét gì về việc này?

Nguyên tắc của tài chính xanh là phải có các hoạt động đạt tiêu chí xanh và các nguồn tài chính tài trợ cho các hoạt động xanh sẽ trở thành tài chính xanh. Thực tế tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế xanh đã diễn ra. Để thu hút được tài chính xanh, các hoạt động xanh cần đáp ứng được các tiêu chí xanh rõ ràng, do đó, cần phải có khuôn khổ pháp lý và quy trình để chứng minh có hoạt động xanh.

Trên thế giới, bên cạnh trái phiếu xanh, còn có các nguồn tài chính ưu đãi đến từ các đối tác nước ngoài cho các hoạt động xanh và nguồn vốn này mang tính đòn bẩy. Nói cách khác, khi thu hút được các nguồn tiền ưu đãi từ bên ngoài cho hoạt động kinh tế xanh sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế xanh. Khi kinh tế xanh phát triển đủ sôi động và tài chính xanh cũng phát triển đủ quy mô sẽ là điều kiện để thu hút được tài chính xanh thương mại.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam

Huy động vốn cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam hiện đang đối mặt với hai vấn đề: Thứ nhất, thiếu tính hệ thống. Mặc dù đã có các hoạt động có thể đáp ứng được điều kiện, tiêu chí của tài chính xanh như năng lượng tái tạo, phát triển đô thị, quản lý nguồn nước, chống lũ lụt… nhưng chưa có tiêu chí xanh. Trong khi đó, phải có các tiêu chí xanh, hay đơn giản hơn là hồ sơ xanh mới chứng minh được các dự án là xanh. Đáp ứng các tiêu chí về tài chính xanh hiện nay mang tính đơn lẻ, nghĩa là tùy theo từng dự án, tùy theo từng đơn vị thực hiện, mà không theo khuôn khổ thống nhất nào.

Thứ hai là rất khó để tăng quy mô lên mức độ lớn. Thị trường tài chính xanh ở trong nước còn nhỏ, nên chưa đủ nguồn lực để huy động được nguồn tài chính mang yếu tố thị trường, trong khi nguồn vốn ưu đãi trong nước cũng đang thiếu. Do vậy, vẫn phải phụ thuộc vào các nguồn vốn ưu đãi và giải pháp tối ưu là nguồn vốn đến từ các đối tác nước ngoài.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, chính phủ đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng cho phát triển kinh tế xanh?

Đúng vậy. Chính phủ có thể đưa ra các chương trình sử dụng ngân sách nhà nước thúc đẩy kinh tế xanh, thúc đẩy hoạt động đầu tư cho dự án xanh và hoạt động sản xuất - kinh doanh xanh. Đồng thời, công bố các tiêu chí, quy trình thủ tục để chứng minh được các hoạt động xanh sẽ tạo dựng nền tảng cho thị trường tài chính xanh phát triển. Khi thị trường đủ lớn sẽ thu hút được các nguồn tài chính vào hoạt động xanh.

Triển vọng sắp tới sẽ có cơ chế thị trường để khuyến khích các hoạt động xanh như thế giới đang triển khai trái phiếu xanh với lãi suất ưu đãi khi đáp ứng được các chỉ số xanh. Xanh ít thì lãi suất cao và xanh nhiều thì lãi suất thấp. Đó cũng là công cụ của thị trường vừa kích thích được kinh tế xanh phát triển, vừa thu hút được nguồn vốn.

Một vấn đề nữa là, doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí xanh mới bán được hàng và ngược lại, nếu không chuyển đổi sẽ không bán được hàng, không có thị trường, không có doanh thu, đồng nghĩa các khoản đầu tư sẽ thất bại, nên chuyển đổi xanh là yêu cầu sống còn. Đây là câu chuyện của doanh nghiệp, nhưng nhìn rộng ra ở quy mô nền kinh tế, nếu các doanh nghiệp phải tự xoay xở thì suất đầu tư này không hiệu quả. Nếu nền kinh tế có những động thái nhất định hỗ trợ chuyển đổi xanh để tạo ra môi trường kinh doanh xanh thì các doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí đáp ứng xanh không những đối với thị trường trong nước mà còn cả các thị trường xuất khẩu, với những yêu cầu khắt khe về môi trường.

Lấy ví dụ, nếu thị trường xuất khẩu yêu cầu 70% nguồn điện của nhà sản xuất phải là điện năng lượng tái tạo, trong khi điện lưới của cả nước không có đủ thì doanh nghiệp phải tự đầu tư hoặc tìm cách mua điện năng lượng tái tạo, nếu không sẽ không bán được hàng. Rõ ràng, nếu cả hệ thống điện trong nền kinh tế được chuyển đổi xanh, hay ít nhất là 70% nguồn xanh thì doanh nghiệp không phải tự phát triển hay đi mua điện tái tạo riêng. Đây là một ví dụ cho thấy, nếu cả thị trường có sự chuyển dịch xanh sẽ là điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh.

Câu chuyện cũng tương tự trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài có những tiêu chí để đạt được mục tiêu đầu tư, ví dụ sẽ dễ dàng quyết định đầu tư tại các quốc gia có tỷ lệ điện năng lượng tái tạo cao trong nền kinh tế, bởi các doanh nghiệp này cũng chịu chi phí đáp ứng yêu cầu tuân thủ ở những thị trường nhập khẩu.

Khi chuyển đổi xanh ở quy mô toàn nền kinh tế sẽ giúp nền kinh tế có những ưu thế nhất định về năng lực cạnh tranh.

Câu chuyện dịch chuyển xanh ở Việt Nam có lẽ vẫn còn chậm, thưa ông?

Chính phủ đã xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh, kế hoạch tăng trưởng xanh và thời gian gần đây phát triển điện năng lượng tái tạo… Tại COP 28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa cam kết với toàn thế giới Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Những điều này đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và có những cam kết hỗ trợ tài chính nhất định.

Thực tế, dịch chuyển xanh ở Việt Nam còn chậm, chưa có sự đột phá. Triển khai định hướng này đến quy mô từng dự án cụ thể, để thực hiện chiến lược xanh cần có cơ sở pháp lý, mà chúng ta đang trong quá trình điều chỉnh.

Tóm lại, để thúc đẩy dịch chuyển xanh, sẽ liên quan đến hai vấn đề chính: Thứ nhất, nguồn tiền có tiêu chí xanh rõ ràng. Nguồn tiền này nếu được sử dụng từ ngân sách thì sẽ có sự chủ động hơn. Bên cạnh đó, thực hiện các dự án xanh mà trong phạm vi có thể sử dụng nguồn vốn từ đầu tư công của Chính phủ cần được triển khai nhanh hơn; thứ hai, khuôn khổ pháp lý liên quan đến quy trình, thủ tục và tiêu chí xanh.

Ngân sách của Nhà nước đang tăng, liệu đây có phải là cơ hội cho tăng trưởng xanh?

Ngân hàng có được nguồn tiền rẻ mới có thể cho vay rẻ, còn nếu huy động vốn vẫn là thương mại, mà cho vay rẻ nghĩa là ngân hàng phải giảm lợi nhuận.

Không gian tài khóa của Việt Nam hiện có nhiều dư địa, nói cách khác là có thể tăng chi ngân sách đáng kể cho các hoạt động xanh. Tỷ lệ nợ công trên GDP đang trong xu hướng giảm, năm 2022 là 38% và năm 2023 là 37%. Với quy mô này, nếu tăng trưởng GDP hiệu quả sẽ cho phép thâm hụt ngân sách cao hơn, trong khi đó ngân sách năm 2023 ước tính bội chi khoảng 4% và theo duyệt dự toán ngân sách của 2024 là bội chi 3,6% GDP. Trên thực tế, mức thâm hụt có thể thấp hơn bởi thu ngân sách năm 2023 vượt dự toán, trong khi kết quả giải ngân thấp hơn kế hoạch. Đó là lý do vì sao tỷ lệ nợ công trên GDP giảm. Do đó, nếu Chính phủ có những động thái mạnh mẽ thúc đẩy tài chính xanh thì hiện đang có dư địa để triển khai từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Còn nguồn tiền của các tổ chức tín dụng để cho vay tài chính xanh nên để các ngân hàng thương mại cho vay theo thị trường. Nếu hệ thống ngân hàng có nguồn tiền ưu đãi thì có thể cho vay ưu đãi, nhưng bản chất hệ thống ngân hàng vẫn phải tuân thủ các vận động của thị trường tài chính và theo nguyên tắc thương mại. Nói cách khác, ngân hàng có được nguồn tiền rẻ mới có thể cho vay rẻ, còn nếu huy động vốn vẫn là thương mại, mà cho vay rẻ nghĩa là ngân hàng phải giảm lợi nhuận hoặc là điều chỉnh phí rủi ro tín dụng.

Hiện mặt bằng lãi suất đang rất thấp, theo ông, có nên nhân cơ hội này, Chính phủ đẩy mạnh tín dụng xanh?

Lãi suất thấp ở đây mang tính tương đối so với hiệu quả đầu tư. Nếu không kèm theo các tiêu chí xanh, tín dụng có lãi suất thương mại và mức lãi suất này có thể cao, thấp tùy theo điều kiện kinh tế vĩ mô, các tổ chức tín dụng và năng lực tài chính (credit worthiness) của chính các đơn vị vay vốn.

Theo cơ chế thị trường, Chính phủ có thể đẩy mạnh tài chính xanh, thông qua biện pháp hỗ trợ lãi suất. Nếu đáp ứng các tiêu chí xanh, trên cơ sở lãi suất thương mại, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ giảm lãi suất ở một mức độ nhất định. Ví dụ như lãi suất trái phiếu là 5%/năm, nhưng nếu đạt được các tiêu chí xanh, lãi suất có thể giảm xuống 4%/năm. Phần lãi ưu đãi giảm 1%/năm sẽ là động cơ để các đơn vị vay thực hiện cam kết xanh.

Như đã nói ở phần trước, thúc đẩy chuyển dịch xanh nói chung phải là việc đầu tư có tính chiến lược nhất quán và dài hạn, trên cơ sở các nguồn lực hợp lý và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho thị trường tài chính xanh.

Nhuệ Mẫn thực hiện. / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tin-dung-xanh-hay-de-theo-co-che-thi-truong-post347316.html