Tìm giải pháp khắc phục thiếu cơ sở vật chất để các học sinh nam nữ ngủ riêng
Do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế nên nhiều trường chưa có phòng ngủ riêng cho học sinh bán trú, thậm chí có trường còn tình trạng học sinh nam và nữ phải ngủ xen kẽ. Từ thực tế trên, một số giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý và chính phụ huynh đưa ra.
Nhiều trường phải thực hiện mô hình "3 trong 1"
Thời gian gần đây, vấn đề giấc ngủ trưa bán trú của con rộ lên trên nhiều diễn đàn làm cha mẹ. Chị Trương Mỹ Hương, có con học ở một trường tiểu học tư thục tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết, sau khi đọc thông tin chia sẻ về "hành động lạ" của một bé trai trong giờ ngủ trưa bán trú, chị về hỏi con thì con trả lời là cô giáo có tách riêng khu vực trong lớp, nam, nữ ngủ riêng. "Lúc đó tôi mới thở phào. Thú thật lâu nay tôi không để ý lắm đến vấn đề này, chỉ biết là các con có túi ngủ và ngủ tại lớp học", chị Hương nói.
Theo ghi nhận, tại một số trường tiểu học "điểm" ở Hà Nội có số lượng học sinh đông, học sinh vẫn ăn trưa và ngủ ngay trên bàn học, học sinh nằm sát nhau do không đủ không gian để tách bàn. Nhiều phụ huynh có ý kiến về điều này, song đành chấp nhận điều kiện thực tế chật chội của trường do không thể sắp xếp khu vực hoặc phòng ngủ riêng ở trường cho học sinh. "Do điều kiện công việc không thể đón con về buổi trưa được nên tôi đành chịu. Về nhà, bố mẹ chủ động chia sẻ với con về vấn đề vệ sinh, giấc ngủ, giới tính... để con có ý thức hơn chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào cô giáo", chị Lê Hoa, một phụ huynh, cho biết.
Tại TPHCM, theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2020 – 2021, TP.HCM dự kiến tăng khoảng 55.000 học sinh, trong đó bậc THCS tăng nhiều nhất với khoảng 28.000 học sinh, tập trung ở một số quận, huyện như: 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Hiện nay cơ sở vật chất của hầu hết các trường chỉ đáp ứng được cho việc học tập mà không đáp ứng được sinh hoạt bán trú. Nhiều trường phải thực hiện mô hình "3 trong 1", phòng học phải "biến" thành phòng ăn, phòng ngủ trưa cho học sinh. Việc xây dựng phòng ngủ trưa riêng biệt cho học sinh nam và nữ là một vấn đề khó khăn. Các trường có lớp bán trú hiện nay đa số triển khai phương án chia mỗi lớp thành 2 khu vực riêng biệt cho nam và nữ.
"Hiến kế" tổ chức giờ ngủ trưa bán trú
Bà Cao Thanh Tuyền, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết: "Quận Bình Tân đã hướng dẫn cho các trường tổ chức cho các em học sinh bán trú ngủ riêng, kể cả bậc mầm non. Ngay cả phòng vệ sinh cũng chia ra rõ ràng. Còn việc tạo phòng ngủ riêng cho học sinh nam và nữ thì hiện nay số lượng phòng không đủ để đáp ứng. Một số ít trường có điều kiện tổ chức phòng ăn, phòng ngủ riêng. Có những trường tận dụng hội trường, phòng đa chức năng nhưng cũng chỉ được một phần, rất khó để có phòng ngủ riêng cho các cháu. Trường nào không có thì tổ chức ngủ tại phòng học luôn. Về cách sắp xếp thì các bé sẽ ngủ trong 1 lớp nhưng chia ra một bên nam và một bên nữ".
Đại diện một số trường cho rằng, hầu hết trường học tổ chức bán trú xây dựng từ lâu, cơ sở chật hẹp nên không thể tách riêng 3 hoạt động: ăn, ngủ và học của học sinh bán trú. Để tách riêng các hoạt động trên, cần đầu tư xây dựng cơ sở trường mới. Điều này bản thân nhà trường không thể làm được mà phải có sự đầu tư từ ngân sách. Vì thế, biện pháp trước mắt là cho học sinh nam-nữ ngủ bán trú tách ra 2 khu vực riêng.
Từ góc nhìn phụ huynh, anh Đỗ Hùng, có con học trường mần non Nụ Cười (Nhà Bè, TPHCM), đề xuất: "Tôi nghĩ khi tổ chức giờ ngủ trưa nên phân lớp ra làm 2 khu vực riêng, kéo tấm màn chắn ở giữa để phân biệt chỗ ngủ bên nam và nữ. Khi có sự phân biệt như thế các em sẽ chấp hành".
Từ góc độ của chuyên gia, chị Trần Thị Kim Hoa, chuyên giao giáo dục kỷ luật tích cực dành cho cha mẹ tại Hà Nội, cho rằng, cha mẹ nên nói với con về giới tính càng sớm càng tốt, không thể phó mặc việc giáo dục giới tính cho nhà trường. Việc giáo dục giới tính cho con cần theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". "Nếu con chưa sẵn sàng tiếp nhận khái niệm này, bạn nên dừng lại, tránh trường hợp lợi bất cập hại. Việc giáo dục giới tính cho con cần rõ ràng, không tránh né. Đồng thời tùy thuộc độ tuổi mà cha mẹ có thể lựa chọn nội dung phù hợp cho con đọc", chị Trần Thị Kim Hoa cho hay.
Thiết nghĩ, những đề xuất nêu trên mới chỉ là giải pháp trước mắt, cần có những giải pháp mang tính lâu dài hơn để cho các con một không gian an toàn, không chỉ là tránh những "hành động nhạy cảm" mà còn để đảm bảo sức khỏe, phòng tránh lây lan dịch bệnh trong thời Covid-19.
Theo các chuyên gia giáo dục, trẻ nam và nữ ngủ chung có thể gây ra sự mơ hồ về giới tính của trẻ. Theo thời gian, nó có thể làm sai lệch nhận thức về giới tính của trẻ, gây ra hậu quả xấu. Bên cạnh đó, ngủ lẫn lộn giữa học sinh nam và nữ cũng có thể khiến trẻ tò mò về người khác giới sớm. Một bất cập nữa từ việc để trẻ nam và nữ ngủ chung, đó là khiến trẻ nhạy cảm và bị "thu hút" bởi đối phương. Vì bản thân đứa trẻ đã có nhận thức về giới tính từ khi lên 2 lên 3 tuổi. Bé biết rằng, có sự khác biệt giữa nam và nữ. Theo thời gian, việc ngủ chung rất dễ gây ra sự mất ổn định của việc tiết hormone ở trẻ và kích hoạt dậy thì sớm.