Tìm đường khai thác nguồn tài nguyên quý từ phụ phẩm nông nghiệp
Chăn nuôi được định hướng gắn với trồng trọt để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, trong đó đề cao khâu xử lý, tái sử dụng chất thải, phụ phẩm.
Những năm qua ngành chăn nuôi phát triển quy mô tổng đoàn, tạo nên những giá trị lớn về kinh tế. Tuy nhiên, kéo theo đó là các hệ lụy về ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính… cùng với việc các phụ phẩm trong chăn nuôi chưa được tái sản xuất trong các lĩnh vực khác.
Chính vì vậy, diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” đã được tổ chức với mục đích cung cấp thông tin về những quy định và yêu cầu đặt ra với chuỗi chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh nghiệm, thực tiễn tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, TS. Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: “Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp”.
Ông Thành nhấn mạnh, theo định hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Với quy mô ngành chăn nuôi ghi nhận nhiều tăng trưởng mạnh về đàn nuôi và sản lượng nuôi trong thời gian qua, ông Thành nhận định xu hướng này sẽ gây ra những tác động nhất định với môi trường.
Theo đó đại diện Cục Chăn nuôi đã nêu ra một số yêu cầu đối với ngành chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn bao gồm: Hoạt động chăn nuôi cần tạo ra hiệu quả kinh tế, giảm phát thải; Phải có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư; Kết nối được các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông sản; Phải có công cụ đánh giá việc sử dụng, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp…
Dẫn một số kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của các nước Hà Lan, Úc, Trung Quốc mà Việt Nam có thể học hỏi, ông Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (IPSARD) cho biết: “Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về KTTH tại quy mô doanh nghiệp nhỏ-vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, HTX còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện”.
Từ những cơ sở trên, ông Phong đã đưa ra một số giải pháp như xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp. Song song với đó xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, HTX sản xuất áp dụng công nghệ về kinh tế thuần hoàn. Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ quan điểm, kinh tế tuần hoàn không phải một mô hình lựa chọn mà là tất yếu.
Theo ông Thắng, kinh tế tuần hoàn là nền tảng của phát triển bền vững, nền tảng của kinh tế xanh. Chính vì vậy, chúng ta không nên tách bạch nhiều quá. Kinh tế tuần hoàn là kết quả của mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tuần hoàn, các mô hình này không bị trói buộc bởi một khuôn mẫu nên tìm tiêu chí, quy định cứng nhắc cho mô hình kinh tế tuần hoàn là rào cản khiến cho tính lan tỏa hạn chế.
Theo đại diện Hội Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tuần hoàn không bị trói buộc mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi tổ chức, nông hộ, ở đây tư duy thiết kế là quan trọng nhất.
Từ thực tiễn trên, ông Thắng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu quy định hàng lang pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo để thực sự đi vào đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, vị này cũng kiến nghị cần có những chính sách phục vụ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình. Ông cũng đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình cho các trung tâm vùng lõi do các doanh nghiệp dẫn dắt.
Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang có những chuyển biến tích cực, phù hợp xu hướng chuyển đổi, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Với vị trí là một trong những “thủ phủ heo" lớn nhất cả nước, Đồng Nai đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như mô hình nuôi ruồi cánh đen, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp các phụ phẩm được gần như triệt để.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song về việc áp dụng biogas đang còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi tỉnh đạt trên 330 ngàn mét vuông.
Đánh giá về kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, ông Sinh cho biết khó khăn, thách thức trong nông nghiệp tuần hoàn là khá lớn, trong đó có các vấn đề liên quan đến nhận thức, hành lang pháp lý, phát triển mô hình khai thác, tài chính khó khăn, công nghệ.