Tiêu thụ điện ở TP.HCM cao chưa từng có
Giữa nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện cao nhất tại TP.HCM đã đạt tới 96,89 triệu kWh/ngày dù chỉ mới đầu tháng 4.
Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, do thời tiết nắng nóng kéo dài, sản lượng điện tiêu thụ của TP trong những ngày đầu tháng 4 liên tiếp tăng cao và đã vượt đỉnh năm 2023.
Cụ thể, ngày 3/4 đạt 95,12 triệu kWh, ngày 4/4 đạt 95,17 triệu kWh và đến ngày 5/4 đạt 96,89 triệu kWh. Trong khi đó, ngày tiêu thụ điện cao nhất của năm 2023 là 94,8 triệu (ngày 6/5/2023).
Dự báo tiêu thụ điện tiếp tục lập đỉnh
Thông thường mọi năm, giai đoạn cuối tháng 4 và đầu tháng 5, sản lượng tiêu thụ điện mới đạt cao nhất, nhưng năm nay mới đầu tháng 4 mà ngày tiêu thụ điện cao nhất đã đạt 96,89 triệu kWh/ngày. Pmax (công suất) đạt gần 4.750 MW, cao nhất từ trước đến nay.
Ba tháng đầu năm, tiêu thụ điện tại TP.HCM cũng đã tăng 10,79%, tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua. Trong đó, tiêu thụ điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng 5%, của nhóm khách hàng sinh hoạt tăng gần 15%.
Ngành điện lực dự báo trong những ngày tiếp theo của tháng 4, nhiệt độ tại TP.HCM và khu vực miền Nam còn nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ bình quân khoảng 36-38 độ C, nhiệt độ thực tế ngoài trời có lúc lên đến 40-41 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn. Vì vậy, sản lượng điện tiêu thụ có thể sẽ tiếp tục tăng cao, dự báo có thể tăng 30-40% so với tháng 3.
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, do thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày và thời tiết oi bức trong ngày kéo dài dẫn đến người dân sử dụng thiết bị làm mát tăng cao, đặc biệt là máy lạnh. Việc này đã dẫn đến sản lượng điện tăng cao.
Tại tọa đàm chia sẻ trách nhiệm cung ứng điện cao điểm mùa khô năm 2024 chiều 8/4, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết trong các tháng đầu năm, nhu cầu sử dụng điện của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc tăng trưởng khoảng 11%. Đối với tháng 5-7, tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 13%.
"Nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc khoảng 25.000 MW. Với mức tăng trưởng 10%, mỗi năm cả nước cần thêm công suất tương đương Nhà máy thủy điện Sơn La. Đây là thách thức không nhỏ của ngành điện", ông nhìn nhận.
Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận tình hình cung cấp điện trong năm 2024, nhất là mùa khô ở miền Bắc được dự báo gặp rất nhiều khó khăn do không có nhiều nguồn điện bổ sung, diễn biến thời tiết khắc nghiệt, trong khi đó phụ tải tăng trưởng khá cao.
Sẽ huy động cả nguồn điện đắt tiền nhất
Để đảm bảo cung ứng điện, Phó giám đốc A0 cho biết cơ quan này đã có chiến lược tích nước trong các hồ, để dành nước trong các hồ thủy điện để sử dụng vào những lúc cần thiết.
Cụ thể, A0 đã trữ nước trong các hồ thủy điện khoảng 11 tỷ kWh điện, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ trữ được 7 tỷ kWh, nghĩa là cao hơn 4 tỷ kWh trong các hồ. Như hồ Lai Châu giữ cao hơn 20 m so với năm ngoái, Sơn La cao hơn 10 m, Hòa Bình cao hơn 4 m.
Đối với các nhiên liệu khác, đơn vị này cũng đã lên kịch bản phát nguồn điện đắt tiền nhất là nhà máy chạy dầu FO, DO. Năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị trong đó có Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia đưa nguồn năng lượng mới vào vận hành là nguồn khí hóa lỏng LNG.
"Hiện EVN đang thỏa thuận và ký hợp đồng với bên cung cấp khí, để có khả năng chạy nguồn khí LNG ở nhà máy Đông Nam Bộ vào ngày 15/4. Lần đầu tiên chúng ta chạy LNG để phát điện trong năm 2024. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để có thêm nguồn điện bổ sung", ông Nguyễn Quốc Trung tiết lộ.
A0 cũng phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) rà soát các nhà máy thủy điện nhỏ, tổng công suất 5.000 MW với gần 300 nhà máy, nhằm điều chỉnh giờ cao điểm vào khung giờ có nhu cầu sử dụng cao nhất.
"Ví dụ, 21-23h đêm mùa nóng sẽ có nhu cầu phát sinh, A0 sẽ điều chỉnh để các nhà máy thủy điện nhỏ phát điện đúng vào giờ đó", ông Trung nói thêm.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cũng cho biết giai đoạn 2019-2021, mức độ sử dụng điện để làm ra đơn vị sản phẩm GDP ở Việt Nam cao hơn các nước xung quanh rất nhiều.
Ví dụ, năm 2020, để sản xuất ra 1.000 USD GDP, Việt Nam phải sử dụng đến 376 kg dầu quy đổi. Các nước trung bình chỉ tốn khoảng 176 kg dầu quy đổi. Các nước đang phát triển như Nhật Bản chỉ dùng 90 kg dầu và Singapore dùng 99 kg dầu.
"Như vậy, so với các nước sử dụng năng lượng để làm ra đơn vị sản phẩm GDP thì Việt Nam đang cao hơn 2-3 lần. Về hệ số đàn hồi (hệ số co giãn giữa tăng trưởng điện và tăng trưởng GDP ở Việt Nam) bình quân các năm 2017-2021 đều hơn 1,2 lần, trong khi các nước phát triển hệ số này là dưới 1", ông nói.
Theo ông, sau 10 năm vận hành hệ thống điện thì giờ cao điểm đã có sự chuyển dịch, khung giờ cao điểm 9-11h đã chuyển sang 13h-15h30 và thêm giờ cao điểm vào 21-23h.
Do đó, lãnh đạo EVN mong muốn các khách hàng sử dụng điện xem xét những dây chuyền sản xuất, thành phần có thể dịch chuyển được thì dịch chuyển khỏi giờ cao điểm để đảm bảo tốt hơn việc cung ứng điện.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tieu-thu-dien-o-tphcm-cao-chua-tung-co-post1469194.html