Tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thế nào?

* Bạn đọc Trần Văn Tâm ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 13 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024). Cụ thể như sau:

Công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

1. Từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi; trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của công an cấp xã;

2. Có lý lịch rõ ràng; phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn, chấp hành biện pháp tư pháp hoặc chấp hành biện pháp xử lý hành chính. Trường hợp đã chấp hành xong bản án của tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật;

Ành minh họa: VGP

Ành minh họa: VGP

3. Có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên. Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học;

4. Đang thường trú hoặc tạm trú từ 1 năm trở lên và thường xuyên sinh sống tại nơi công dân nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trường hợp ưu tiên (công dân đã có thời gian phục vụ trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư hoặc đã từng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) thì phải đang thường trú hoặc tạm trú tại nơi nộp đơn đề nghị tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

5. Có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Đào Lan Anh ở xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về phòng vệ chính đáng?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 22 Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự 2017. Cụ thể như sau:

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật này.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/tieu-chuan-dieu-kien-tham-gia-luc-luong-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-the-nao-784997