Tiết lộ cách Ukraine và Nga làm tiêu hao binh lực đối phương

Trong khi Ukraine cố gắng tạo ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Nga trước khi triển khai tiêm kích F-16 thì Moscow ưu tiên làm tiêu hao binh lực của Kiev thay vì cố gắng chiếm thêm lãnh thổ.

Ukraine cố gắng tạo lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ Nga

Hai năm sau khi Ukraine bắt đầu yêu cầu các đồng minh viện trợ chiến đấu cơ F-16 để giúp nước này chống lại các lực lượng của Nga, những chiếc máy bay đầu tiên sẽ được giao trong vài tháng tới.

Thời gian của quá trình này, từ việc nguồn máy bay do Mỹ sản xuất đến huấn luyện phi công lái chúng đã khiến Kiev thất vọng. Nga đã có thời gian chuẩn bị lực lượng phòng thủ để cố gắng vô hiệu hóa tác động của F-16, còn Ukraine chỉ có trong tay lực lượng không quân suy kiệt chỉ bằng một phần nhỏ quy mô và mức độ tiên tiến của đối phương.

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Getty

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Getty

Một số nhà phân tích cho rằng các tiêm kích F-16 sẽ không một mình tạo ra bước ngoặt trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh Quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: "Bạn sẽ phải tách biệt ý nghĩa biểu tượng khỏi tác động thực tế trên chiến trường, điều này sẽ hữu ích dù hiệu quả khiêm tốn, đặc biệt là vào thời điểm ban đầu".

Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm Hợp tác và An ninh Ukraine - một nhóm nghiên cứu phi chính phủ cho biết sẽ cần ít nhất 60 chiến đấu cơ cho các hoạt động quan trọng khi Ukraine cố gắng đẩy lực lượng không quân Nga khỏi biên giới của mình.

Nghị sĩ Ukraine Oleksandra Ustinova, người đứng đầu ủy ban quốc hội về vũ khí và đạn dược của Kiev nói rằng Ukraine sẽ cần gần 120 tiêm kích F-16 để tăng cường đáng kể khả năng không quân của mình.

Các chuyên gia nhận định, trong khi các phi công có được kinh nghiệm trên bầu trời Ukraine và quân đội đang xây dựng lực lượng cũng như bổ sung trang thiết bị, những đợt chuyển giao ban đầu ít nhất có thể giúp Ukraine củng cố lá chắn phòng không của mình.

"Nó sẽ cung cấp một số năng lực và chiều sâu phòng không, có khả năng giúp đánh chặn UAV và tên lửa hành trình. Mặc dù vậy, đây là một cách rất đắt đỏ", Justin Bronk, học giả nghiên cứu cấp cao về không quân và công nghệ tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) đánh giá.

Quân đội Ukraine đã nỗ lực làm việc để giảm thiểu mối đe dọa đối với những chiếc F-16 sắp nhận được trong những tháng gần đây bằng cách tấn công hệ thống phòng không của Nga, nhà quan sát Kuzan nói.

Theo ông: "Chiến trường phía Nam đang được định hình. Ukraine có khả năng tấn công một cách có hệ thống các tổ hợp phòng không quan trọng nhất của Nga".

Tuy nhiên, chuyên gia Cancian của CSIS thì cho rằng ông kỳ vọng Ukraine sẽ cố gắng tạo ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Nga ngay trước các cuộc cuộc tấn công bằng F-16 thay vì làm điều đó trước một thời gian dài.

Thách thức huấn luyện và bảo trì

Việc đào tạo cũng rất quan trọng. Theo chuyên gia Bronk: "Bạn có thể có rất nhiều chiến đấu cơ nhanh nhưng nếu chúng không có vũ khí và phi hành đoàn không thể sử dụng chúng với chiến thuật hiệu quả thì chúng sẽ bị bắn hạ với số lượng lớn".

Tiến trình đào tạo phi công Ukraine lái tiêm kích F-16 đã chi phối các cuộc thảo luận về việc chuyển giao và cam kết cung cấp hơn 70 chiến đấu cơ. Vào cuối năm 2024, Ukraine dự kiến sẽ có ít nhất 20 phi công sẵn sàng lái F-16, bà Ustinova cho hay. Nghị sĩ Ukraine nói: "Thật khó để kêu gọi thêm chiến đấu cơ nếu không có người lái chúng", đồng thời cho biết ban đầu Ukraine sẽ có nhiều chiến đấu cơ F-16 hơn các phi công có trình độ.

Các quan chức Mỹ đã đặt câu hỏi về việc đào tạo ở Ukraine và lưu ý rằng các phi công cũng có thể được đào tạo ở châu Âu. Tuy nhiên, ông Bronk cho biết năng lực của NATO đã bị hạn chế. Ông cũng cho rằng việc bảo trì máy bay thậm chí là một thách thức cấp bách hơn việc đào tạo phi công.

Chuyên gia này nhận định, hầu hết việc sửa chữa và bảo trì sẽ phải diễn ra bên trong Ukraine và có thể phải dựa vào các nhà thầu nước ngoài hiểu rõ về chiến đấu cơ này.

Các căn cứ không quân bị đe dọa

Một số chuyên gia cho biết, Nga đã tăng cường tấn công các cơ sở hạ tầng có thể được sử dụng để bảo trì và triển khai các tiêm kích F-16.

"Nga đang tấn công tất cả sân bay, căn cứ tiềm năng của F-16 mỗi ngày, bao gồm cả những nỗ lực nhằm phá hủy các đường băng và cơ sở hạ tầng. Những cuộc tấn công này đã không dừng lại ít nhất trong hai tháng qua", nhà phân tích Kuzan nói.

Các mục tiêu sẽ trở nên có giá trị hơn khi các chiến đấu cơ, phi công và đội bảo trì đến. Điều này có khả năng buộc Ukraine phải lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ chúng, mặc dù nước này đang thiếu cả hệ thống phòng không và đạn dược.

Theo ông Kuzan: "Chúng tôi phải chấp nhận thực tế rằng các sân bay sẽ được bảo vệ tốt khi các cơ sở dân sự có thể bị tấn công, đồng thời cho biết mỗi căn cứ cần ít nhất 2 tổ hợp Patriot và 2 hệ thống NASAMS để được bảo vệ”.

"Ngay khi chúng tôi tăng cường khả năng bay, chúng tôi sẽ đẩy lùi các máy bay của họ và các cuộc tấn công sẽ chấm dứt. Nhưng vài tháng này sẽ thực sự khó khăn", ông Kuzan cho hay.

Chiến lược làm tiêu hao binh lực Ukraine của Nga

Trong khi đó, các lực lượng của Nga đang tiến dọc theo một trục giữa Chasov Yar và Avdiivka nhưng không dồn hết sức lực vào đó. Các nhà phân tích cho rằng chiến thuật này dường như phản ánh học thuyết chiến thắng ở Ukraine của Moscow được tiết lộ vào đầu tháng này.

"Cho đến nay, quân đội Nga chỉ đưa lực lượng hạn chế vào chiến dịch này. Điều đó cho thấy các lực lượng của Moscow tiếp tục ưu tiên tiến công từ từ qua các cuộc tấn công tiêu hao thay vì đạt được thành quả đáng kể qua các hoạt động quân sự nhanh chóng", các nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đánh giá.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ngày 7/6, Tổng thống Putin nhận định, tốc độ là không cần thiết, đồng thời giải thích rằng các lực lượng của Nga có thể dần dần "ép" Ukraine khỏi các vùng lãnh thổ mà Moscow tìm cách kiểm soát.

Tổng thống Putin cho rằng những tiến bộ dần dần của các lực lượng của Nga sẽ cho phép họ đạt được các mục tiêu của Điện Kremlin vì điều đó ngăn cản Ukraine tiến hành chiến dịch phản công hiệu quả.

Các hoạt động chậm rãi, ổn định và dồn dập theo hướng Toretsk là mục tiêu của quân đội Nga vì họ tin rằng điều đó sẽ cản trở Ukraine tập hợp nhân lực và các nguồn lực quan trọng cũng như tiêu hao những gì họ đã có. Và điều đó, theo các chuyên gia ISW, có thể còn quan trọng hơn việc chiếm giữ lãnh thổ.

Các nhà phân tích từ ISW dự đoán rằng cách tiếp cận của Nga trong cuộc xung đột này có thể mất từ vài tháng đến vài năm để hoàn thành. Tại diễn đàn trong tháng này, ông Putin cho biết ông tin tưởng các kế hoạch này sẽ thành hiện thực.

Các nhà phân tích của ISW khuyên rằng các đối tác phương Tây nên cung cấp cho quân đội Ukraine những nguồn lực cần thiết để "giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và thách thức niềm tin của Tổng thống Putin rằng ông có thể dần khuất phục Ukraine".

Ukraine đã khắc phục được một số thiếu sót nguy hiểm mà nước này phải đối mặt trước đó nhưng tốc độ nhận viện trợ của Ukraine hiện nay còn hạn chế và đang tạo điều kiện cho chiến lược của Tổng thống Putin tiếp tục đạt tiến triển.

Các chuyên gia ISW lưu ý rằng việc phương Tây chấm dứt hỗ trợ cho Ukraine có thể dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn trên tiền tuyến và mang đến chiến thắng toàn diện cho Nga.

"Ukraine nên giành thế chủ động càng sớm càng tốt vì các lực lượng của Nga đang thu được nhiều lợi ích từ việc nắm thế chủ động, bao gồm cả khả năng theo đuổi chiến lược xung đột tiêu hao", các nhà phân tích kết luận.

Kiều Anh/VOV.VN Theo: Reuters, Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tiet-lo-cach-ukraine-va-nga-lam-tieu-hao-binh-luc-doi-phuong-post1104630.vov