Tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả thông qua thanh tra, kiểm tra
Công tác thanh tra, kiểm tra đã giúp phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng nguồn vốn và tài sản nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác này cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Việc tăng cường các giải pháp trong thanh tra, kiểm tra giúp tiết kiệm, chống lãng phí nguồn lực của nhà nước đang được đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương.
Kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng và hàng nghìn ha đất
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, trong công tác xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm đã lồng ghép nội dung thanh tra, kiểm tra (TTKT), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) vào nội dung thanh tra hành chính. Qua đó, cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước, tài sản nhà nước và quản lý, sử dụng lao động. Đồng thời, qua TTKT đã kịp thời thu hồi được nhiều tài sản, kinh phí nhà nước và xử lý nghiêm các vi phạm.
Trong giai đoạn 2016-2021, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 48.947 cuộc TTKT THTK, CLP hoặc có nội dung liên quan đến THTK, CLP tại 73.253 đơn vị; đã phát hiện vi phạm về kinh tế 150.167 tỷ đồng, 63.200 ha đất.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị thu hồi 71.790 tỷ đồng, 31.287 ha đất; kiến nghị xử lý khác 78.377 tỷ đồng, 31.913 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính trực tiếp đối với 12.416 tổ chức, 42.455 cá nhân; kiến nghị trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về xử lý hành chính 1.853 người, xử lý hình sự 53 người; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 330 vụ, 431 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, toàn ngành thanh tra đã đôn đốc thực hiện 49.440 kết luận thanh tra, kiểm tra; đã hoàn thành 47.793 kết luận (đạt tỷ lệ 97%).
Riêng các đơn vị thanh tra thuộc Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016 - 2021, toàn ngành đã triển khai 893.198 cuộc TTKT, gồm 27.505 cuộc thanh tra hành chính; 865.693 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Mặc dù thời gian gần đây, việc TTKT đối với công tác THTK, CLP đã từng bước được chú trọng, nhưng tại các cơ quan chức năng, công tác này chưa được quan tâm một cách đúng mức và thường xuyên liên tục. Do đó, việc phát hiện các sai phạm trong công tác THTK, CLP còn hạn chế. Vẫn còn xảy ra một số vi phạm kéo dài, dẫn đến việc khắc phục và xử lý các hậu quả rất khó khăn, phức tạp.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, công tác tự TTKT của các cơ quan, đơn vị được giám sát có kết quả rất hạn chế. Việc phát hiện các vụ việc tham nhũng lãng phí còn ít. Phần lớn những sai sót, tồn tại, sai phạm trong việc thực thi chính sách pháp luật về THTK, CLP đều được phát hiện qua các cơ quan TTKT từ bên ngoài, ít có phát hiện từ TTKT nội bộ của các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực. Đây chính là hạn chế cơ bản khiến cho việc giám sát nhằm ngăn ngừa, hạn chế lãng phí là rất thấp.
Ngoài ra, tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị sau TTKT của các bộ, ngành địa phương đạt thấp. Nhiều vấn đề để kéo dài nhiều năm chưa thực hiện. Công tác theo dõi, quản lý tổng hợp thông tin kết quả thanh tra về vi phạm, kiến nghị xử lý thu hồi và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra của Thanh tra Chính phủ trong cả giai đoạn 2016 - 2021 chưa được theo dõi chi tiết, chuẩn hóa để có thông tin phục vụ công tác quản lý tổng thể, toàn diện của Chính phủ và các cơ quan đầu mối quản lý ngành, lĩnh vực.
Hạn chế này đã ảnh hưởng đến việc xem xét căn cứ, cơ sở kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục đôn đốc các tổ chức cá nhân vi phạm thực hiện kết luận thanh tra, sớm đưa các nguồn lực do sai phạm, lãng phí hoặc còn ách tắc, tồn đọng vào khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả và bền vững.
Cần tăng số lượng, quy mô, chất lượng thanh tra, kiểm tra
Trước thực tế còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong triển khai công tác TTKT, Bộ Tài chính đã kiến nghị một số giải pháp cho thời gian tới. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, cần tăng số lượng, quy mô, chất lượng các cuộc TTKT. Thực hiện lồng ghép nội dung về TTKT THTK, CLP vào các cuộc TTKT hàng năm của từng đơn vị hoặc tổ chức thanh tra chuyên đề đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra sai phạm; thanh tra đột xuất đối với các trường hợp có đơn thư tố cáo. Các cơ quan TTKT cần tích cực xây dựng các cơ chế trao đổi, phối hợp với các cơ quan hữu quan ngoài ngành để hạn chế trùng lắp, chồng chéo.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ làm công tác TTKT THTK, CLP. Việc TTKT phải thực hiện từ khâu giao tài sản công, lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để phòng ngừa sai phạm; tăng cường công tác giám sát của cộng đồng; nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra để sớm thu hồi, xử lý tài sản thất thoát, lãng phí và kịp thời xử lý, khắc phục hậu quả, cũng như đưa các tài sản, nguồn vốn sớm vào khai thác, sử dụng.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng chế tài kỷ luật hành chính, xử lý hình sự theo hướng cao hơn đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, để xảy ra thất thoát, lãng phí. Xây dựng hệ thống để hỗ trợ giám sát công tác THTK, CLP và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý thông tin, dữ liệu về tài chính, tài sản công; hệ thống hỗ trợ việc tổng hợp, phân tích, đánh giá, đo lường việc tiết kiệm, cảnh báo về lãng phí của Bộ Tài chính và của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước...
Đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra
Việc thanh tra kiểm tra phải thực hiện từ khâu giao tài sản công, lập dự toán, đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản để phòng ngừa sai phạm; tăng cường công tác giám sát của cộng đồng; nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ kết luận thanh tra để sớm thu hồi, xử lý tài sản thất thoát, lãng phí và kịp thời xử lý, khắc phục hậu quả, cũng như đưa các tài sản, nguồn vốn sớm vào khai thác, sử dụng.