Tiếp tục mở rộng quy mô kiểm toán
Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ thực hiện 181 cuộc kiểm toán, tăng 23 cuộc so năm 2020, trong đó, lựa chọn một số chuyên đề có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, KTNN đã lập kế hoạch kiểm toán công tác quản lý thu, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết giai đoạn 2017 - 2020; và công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các cục thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, giãn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá.
Tiếp tục mở rộng quy mô kiểm toán
DƯƠNG THÙY
Thứ Hai, 07-12-2020, 17:40
Năm 2021, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ thực hiện 181 cuộc kiểm toán, tăng 23 cuộc so năm 2020, trong đó, lựa chọn một số chuyên đề có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, KTNN đã lập kế hoạch kiểm toán công tác quản lý thu, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết giai đoạn 2017 - 2020; và công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các cục thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, giãn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá.
Theo KTNN, trong lĩnh vực ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, ngoài kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN sẽ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công 18 bộ, ngành và kiểm toán NS 52 địa phương. Bên cạnh đó, KTNN sẽ thực hiện sáu cuộc kiểm toán hoạt động, trong đó tập trung kiểm toán các chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và hoạt động tín dụng cho người nghèo, nhà ở xã hội... KTNN cũng đã lập kế hoạch kiểm toán 26 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó ba cuộc thực hiện trên phạm vi rộng, gồm việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017 - 2020; hoạt động quản lý môi trường tại các ban quản lý khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017 - 2020; việc quản lý, sử dụng vốn ODA, các chương trình, dự án (DA) thuộc lĩnh vực an sinh - xã hội, phát triển kinh tế vùng. Đặc biệt, KTNN đã lập kế hoạch kiểm toán công tác quản lý thu, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các DN có giao dịch liên kết giai đoạn 2017 - 2020; và công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các cục thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, giãn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020…
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, việc kiểm toán DN có giao dịch liên kết giai đoạn 2017 - 2020 nhằm đánh giá việc tuân thủ Nghị định 20/2017/NĐ-CP đối với DN có giao dịch liên kết, thông qua thực hiện kiểm toán phát hiện hành vi chuyển giá, trốn thuế, qua đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bịt các lỗ hổng về cơ chế, chính sách (nếu có) để tránh thất thoát NSNN. Kiểm toán công tác quản lý thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, giãn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá nhằm đánh giá việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP; chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho DN nhỏ, siêu nhỏ; khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, DA, năm 2021, KTNN thực hiện 35 cuộc, trong đó có nhiều DA lớn, được dư luận quan tâm như DA xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; DA thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành; DA cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất… Theo kế hoạch năm 2021, 17 tập đoàn, tổng công ty; bốn ngân hàng thương mại và ba DN có vốn nhà nước dưới 50% cũng sẽ phải làm việc với KTNN.
Trong giai đoạn 2010 - 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán 993 cuộc, trong đó có 159 lượt kiểm toán bộ, ngành; 346 lượt kiểm toán các tỉnh, thành phố; 366 chương trình, DA; 155 chuyên đề; 25 chủ đề kiểm toán hoạt động; 298 DN và các tổ chức tài chính - ngân hàng; 221 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và cơ quan đảng. Số lượng cuộc kiểm toán năm 2021 tăng 23 cuộc so năm 2020.
Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng KTNN cho biết, việc tăng dần quy mô số cuộc kiểm toán một cách hợp lý qua từng năm nhưng không vượt quá số lượng, năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hiện có. Trong 10 năm trở lại đây, ngoài việc kiểm toán hằng năm quyết toán NSNN, hầu hết các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế nhà nước đều được tăng cường kiểm toán. Thực tế, trong 26 năm qua hoạt động kiểm toán đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện thể hiện qua quy mô kiểm toán đều tăng dần; chất lượng kiểm toán không ngừng được nâng cao nên đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 494.240 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 100.867 tỷ đồng, giảm chi NSNN 112.614 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2010 - 2019, kiến nghị xử lý tài chính 414.993 tỷ đồng (tăng thu 86.550 tỷ đồng, giảm chi 100.773 tỷ đồng, xử lý khác 227.670 tỷ đồng).
Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện “Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2021 - 2030”, vì vậy, theo ông Hồ Đức Phớc, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán tối thiểu hai năm/lần đối với quyết toán NS tại các bộ, ngành, địa phương; tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán trách nhiệm kinh tế người đứng đầu, kiểm toán những nội dung vì sự phát triển bền vững của đất nước đạt tỷ lệ khoảng 30 - 40% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm; tăng cường hoạt động “tiền kiểm” với DA đầu tư trọng điểm quốc gia. Năm 2021, KTNN sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng kiểm toán, đánh giá dự toán NSNN; kịp thời đưa ra các phân tích, ý kiến cảnh báo, tư vấn ngay từ khâu lập dự toán phục vụ Quốc hội, Chính phủ trong công tác giám sát, quản lý, điều hành, đánh giá những kịch bản hoặc dự báo có thể xảy ra trong trung và dài hạn liên quan đến các chu kỳ phát triển của nền kinh tế, việc trả nợ, các chương trình mục tiêu quốc gia và những cam kết khác như an sinh xã hội, trợ cấp hưu trí, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu hay các cú sốc tài chính. Báo cáo kiểm toán giúp Quốc hội có nguồn thông tin tin cậy, độc lập, khách quan để quyết định dự toán NSNN, phân bổ NST.Ư, quyết định đầu tư DA, công trình quan trọng quốc gia. KTNN sẽ định kỳ kiểm toán nợ công quốc gia nhằm đánh giá việc quản lý và sử dụng các nguồn lực, cơ cấu, nội dung, tính chất của các nguồn thu, nhiệm vụ chi cũng như dự báo, phân tích tính an toàn nợ công, tính bền vững của các nhân tố tác động trong thứ tự ưu tiên bố trí, sử dụng nguồn lực để phát triển nền kinh tế quốc gia.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/tiep-tuc-mo-rong-quy-mo-kiem-toan-627333/