Tiếp thu ý kiến nhân dân, thay đổi cơ bản về nội dung sửa Luật Đất đai

Theo Bộ TN&MT, hiện đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.

Sáng ngày 19/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thông tin với báo chí về Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15, tại Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023. Bộ TN&MT đã đăng tải nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu liên quan trên website để lấy ý kiến Nhân dân.

Trao đổi với PV, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) cho biết, hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Nhiều Bộ, ngành đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân để triển khai trong Bộ, ngành mình.

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT).

Việc tổ chức lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được Bộ Ngoại giao triển khai với nhiều hình thức như: Thông qua các hội đoàn định cư ở nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các hội thảo, tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức hội nghị trực tuyến với hơn 30 điểm cầu đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục.

Các cơ quan truyền thông, báo chí đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến, lấy ý kiến Nhân dân, mở nhiều chuyên mục trao đổi, thảo luận, phản ánh kịp thời ý kiến Nhân dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý... Các cơ quan báo chí đã ghi nhận nội dung liên quan dự thảo Luật

Chính vì thế, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Hơn 12 triệu lượt góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo ông Đào Trung Chính, hiện nay đã có 12.107.457 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau khi kết thúc việc lấy ý kiến Nhân dân, Chính phủ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ý kiến phản biện xã hội lần 2 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đã có 12.107.457 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân để hoàn thiện dự án Luật được Chính phủ thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Chính phủ cảm ơn Quốc hội đã chủ động hỗ trợ, phối hợp từ sớm, từ xa trong quá trình tổng kết, xây dựng dự án Luật cũng như quá trình tiếp thu ý kiến Nhân dân. Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội.

Thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung luật Đất đai sửa đổi

Trong tờ trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nêu rõ, về bố cục của dự thảo Luật Đất đai hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: Hoàng Hà

Dự thảo Luật đã điều chỉnh quy định Điều 17 theo hướng Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời làm rõ địa bàn được áp dụng chính sách.

Sửa đổi quy định tại Điều 20 để đảm bảo vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bổ sung quy định tại Điều 23 tăng cường trách nhiệm của UBND cấp xã (chính quyền cơ sở trực tiếp quản lý đất đai, gần dân nhất, nắm bắt được nguyện vọng, nhu cầu của người sử dụng đất) trong nhiệm vụ: quản lý đất chưa sử dụng; xác nhận quyền của người sử dụng đất; tham gia vào quá trình lập, điều chỉnh, công bố, công khai, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia vào quá trình lập, tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham gia là thành viên Hội đồng định giá đất cụ thể; phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; tham gia hòa giải tranh chấp đất đai.

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tiep-thu-y-kien-nhan-dan-thay-doi-co-ban-ve-noi-dung-sua-luat-dat-dai-2156234.html