Tiền Giang: Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi trên địa bàn tỉnh năm 2025. Theo kế hoạch, Sở NN&PTNT đã đề ra và triển khai thực hiện nhiều nội dung giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_454_51420582/41befd11c45f2d01744e.jpg)
Tiền Giang chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng.
Đối với phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, về công tác dự tính, dự báo: Tiếp tục điều tra, theo dõi tình hình dịch hại ngoài đồng ruộng, theo dõi hệ thống giám sát sâu rầy thông minh được lắp đặt tại các địa phương, theo dõi tình hình rầy nâu di trú để xây dựng lịch thời vụ và chỉ đạo gieo sạ đồng loạt.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác điều tra, phát hiện diễn biến của các loại dịch hại trên các loại cây trồng để thông báo và hướng dẫn nông dân phòng kịp thời.
Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ kỹ thuật cấp tỉnh, huyện về phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt. Tập huấn nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên sâu đầu đen hại dừa cho cán bộ kỹ thuật huyện. Tập huấn về phòng, chống các đối tượng dịch hại có nguy cơ bùng phát thành dịch tại xã. Triển khai công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên cây trồng bao gồm trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu…
Việc chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng nhằm ngăn ngừa, khống chế dịch bệnh phát sinh, lây lan thành dịch trên diện rộng; đặc biệt là các đối tượng dịch hại mới góp phần bảo vệ năng suất và sản lượng cây trồng. Nâng cao nhận thức của người nông dân về tính nguy hại của các loài dịch hại, nắm rõ và thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch hại an toàn, hiệu quả…
Đối với phòng, chống dịch bệnh vật nuôi sẽ triển khai thực hiện các nội dung như: Tuyên truyền, tập huấn; tiêm phòng; vệ sinh, tiêu độc khử trùng; giám sát dịch bệnh; phòng, chống bệnh dại; công tác chống dịch; công tác tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, thanh quyết toán…
Việc chủ động các biện pháp hành chính và kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi (kể cả động vật thủy sản), kịp thời ứng phó với các biến chủng mới của mầm bệnh, góp phần giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Tổ chức thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường nuôi thủy sản tập trung nhằm cung cấp thông tin, diễn biến chất lượng nước môi trường vùng nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi; đồng thời, kết quả quan trắc môi trường cũng là minh chứng thông tin trong công tác quản lý khi làm việc với các đoàn thanh tra.
Với yêu cầu chủ động quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường 100% vùng nuôi trọng điểm, nuôi các đối tượng chủ lực, có sản lượng và giá trị kinh tế cao như: Tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ), nghêu, cá tra tại các vùng nuôi tập trung, trọng điểm của tỉnh…