Thủy sản Minh Phú báo lãi ròng hợp nhất 9 tháng tăng 23% nhờ đâu?
Sau 3 quý kinh doanh, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lãi sau thuế năm 2020.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 vừa được công bố, MPC ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ giảm 16% vè còn 4.402 tỷ đồng, lãi gộp cũng giảm 12% về còn 532 tỷ đồng.
Nhờ các khoản chi phí trong kỳ được tiết giảm, như chi phí tài chính giảm 59%, chi phí bán hàng giảm 13% nên lãi ròng của MPC tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 241 tỷ đồng.
Còn trong 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 9.982 tỷ đồng, giảm 22% so cùng kỳ tuy vậy lãi ròng tăng đến 23% lên mức 477 tỷ đồng. Có được kết quả này là do doanh thu tài chính trong 9 tháng của MPC tăng cao 69% cùng việc tiết giảm được các chi phí phát sinh.
Trong năm 2020, MPC dự kiến mang về 15.206 tỷ đồng doanh thu và 915 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, sau 3 quý kinh doanh, MPC đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lãi sau thuế năm 2020.
Ngày 13/10 mới đây, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã đưa ra kết luận có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation (MSeafood) vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.
MSeafood là một chi nhánh của Minh Phú. Theo đó, sản phẩm tôm xuất khẩu bởi Minh Phú từ Việt Nam đến Mỹ sẽ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ.
Trước đó, Minh Phú bị cáo buộc mua lượng lớn tôm đông lạnh của Ấn Độ, chế biến ở mức "tối thiểu" tại Việt Nam và bán qua Mỹ thông qua MSeafood với tư cách là sản phẩm của Việt Nam.
Ngày 18/9/2019, Ban giám đốc Thực thi Luật Phòng vệ Thương mại (TRLED), Văn phòng Thương mại của CBP, tiếp nhận đơn kiện từ Ủy ban Thực thi Thương mại Tôm Ad Hoc - liên minh đại diện cho ngành tôm nội địa Mỹ.
Theo hồ sơ, MSeafood nhập khẩu tôm từ Minh Phú trong giai đoạn điều tra từ ngày 8/10/2018 đến ngày 13/10/2020. Những bằng chứng cho thấy Minh Phú từng nhập khẩu tôm nguồn gốc Ấn Độ về Việt Nam để chế biến. Minh Phú còn coi các công ty Ấn Độ là nhà cung ứng nguyên liệu thô đầu vào. Thông báo từ CBP không nêu tên và giá trị hàng hóa cụ thể.
Quay trở lại với nguồn vốn của MPC, tính đến ngày 30/9, tổng tài sản tăng 19% so đầu năm lên mức 9.622 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là hàng tồn kho với giá trị 3.791 tỷ đồng, tiếp đó là đến các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 1.852 tỷ đồng.
Khoản nợ phải trả ghi nhận hơn 4.482 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng 48% lên gần 4.428 tỷ đồng và nợ vay dài hạn giảm 4% về gần 55 tỷ đồng.