Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đối thoại tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục

Ngày 21/5, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị đối thoại với cán bộ quản lý, viên chức ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tại đây, các đại biểu đã trình bày những khó khăn và kiến nghị sớm tháo gỡ.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai có 705 cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học và giáo dục thường xuyên, với 420.200 học sinh và trẻ mầm non. Tỷ lệ học sinh đi học mẫu giáo ở tỉnh hiện đạt trên 93%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là trên 98%; tỷ lệ học sinh THPT đỗ tốt nghiệp là trên 97%.

Tuy vậy, với đặc thù là tỉnh miền núi nhiều khó khăn, có đông học sinh dân tộc thiểu số, Gia Lai đang gặp nhiều thách thức trong nâng cao chất lượng toàn diện ngành giáo dục. Trong đó có tình trạng vừa thiếu giáo viên đứng lớp vừa thiếu nhân viên phục vụ, hỗ trợ.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ông Trần Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Kpăh Klơng, huyện Ia Pa cho biết thực tế, toàn huyện có 28 trường nhưng chỉ có 12 nhân viên kế toán: “Có một số trường không có nhân viên nào. Đa số các trường mẫu giáo chỉ có 1 bảo vệ; hiệu trưởng, hiệu phó làm thay việc của nhân viên văn thư. Như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng công việc của nhà trường. Thời gian tới, UBND tỉnh và Sở Nội vụ cần có kế hoạch bổ sung biên chế cho các trường để nâng cao chất lượng dạy học”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, hầu hết các cơ sở giáo dục công lập tại tỉnh đang thiếu kinh phí hỗ trợ các hoạt động; nhiều trường ở vùng xa thưa dân, đang gặp khó khăn trong thực hiện quy định về định mức số giáo viên/lớp và số học sinh trong 1 lớp.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong, huyện Kbang phát biểu (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong, huyện Kbang phát biểu (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong, huyện Kbang kiến nghị: “Cần có thêm những quy định riêng cho từng vùng miền đặc thù, hoặc giảm bớt quy định số học sinh/lớp để đảm bảo giáo viên dạy đủ bộ môn; tăng định mức giáo viên/lớp đối với cấp tiểu học để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Mong UBND tỉnh có cơ chế cho các thầy cô ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa điều chuyển công tác về vùng thuận lợi khi đã lớn tuổi, ngoài 50 tuổi rồi”.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Sở Nội vụ đã giải đáp một vấn đề trong thẩm quyền và các khó khăn của tỉnh liên quan tới việc thực hiện các quy định. Đối với những vấn đề khó khăn thuộc thẩm quyền thì kiến nghị tới HĐND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ.

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Nguyễn Thảo)

Phát biểu kết luận hội nghị đối thoại, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị: "Ngành giáo dục, nội vụ tổng rà soát để nắm được tình trạng thừa thiếu giáo viên. Những nơi thực sự thiếu thì phải tuyển dụng. Tuyển dụng giáo viên là tuyển trong hè, để vào năm học mới có giáo viên. Đề nghị UBND tỉnh, ngành giáo dục, tài chính xin ý kiến bộ ngành, cần giải quyết trong thời gian ngắn nhất, cần thì báo cáo HĐND tỉnh gần nhất”.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thuong-truc-hdnd-tinh-gia-lai-doi-thoai-thao-go-kho-khan-cho-nganh-giao-duc-post1096558.vov