Thưởng Tết: Đồng lòng vượt 'bão COVID'

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, khi người lao động đang mong ngóng về các khoản thưởng Tết với hy vọng một cái Tết đủ đầy, thì doanh nghiệp đang căng mình khắc phục khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để chăm lo Tết cho công nhân, nhằm giữ chân lao động sau Tết.

Nỗ lực chăm lo Tết cho người lao động. Nguồn: ITN

Nỗ lực chăm lo Tết cho người lao động. Nguồn: ITN

Thưởng Tết giảm 30 - 50%

Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí kiệt quệ, đặc biệt là tại khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam. Trước tình hình này, nhiều người lao động đang lo ngại sẽ không có thưởng Tết hoặc thưởng rất thấp.

Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, thưởng Tết năm nay giảm 30 - 50% so với năm ngoái. Trong đó, mức thưởng của ngành dệt may, da giày - ngành sử dụng nhiều lao động sẽ giảm 30%. Nhiều doanh nghiệp nhỏ trong ngành thưởng Tết dưới mức 4 triệu đồng.

Anh Hoàng Ngọc Minh, nhân viên một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch, nhất là thời điểm thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch khiến doanh số giảm, công ty cũng cắt giảm 50% lương tháng của nhân viên. Dù chưa có thông báo chính thức, nhưng anh Minh cũng như nhiều đồng nghiệp khác đã xác định năm nay thưởng Tết sẽ giảm. Làm việc tại một doanh nghiệp may mặc, chị Trần Thị Tú cũng cho hay, công ty đã thông báo sẽ cố gắng để có thưởng Tết cho người lao động, nhưng dự kiến mức thưởng sẽ thấp hơn năm trước.

Tại Chương trình “Dân hỏi, chính quyền trả lời” mới đây, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết, báo cáo thưởng Tết Nhâm Dần của hơn 1.000 doanh nghiệp sử dụng khoảng 175.000 lao động trên địa bàn cho thấy, hơn 50% gặp khó khăn khi thưởng Tết cho người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng cho biết, qua tổng hợp của Tổng Liên đoàn, năm nay hầu hết doanh nghiệp vẫn phối hợp với công đoàn để có được mức lương, thưởng cơ bản bảo đảm cho người lao động. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp vì khó khăn mà lương thưởng không đáp ứng được mong muốn của người lao động. Đây cũng là nguyên nhân vừa qua nhiều nơi, người lao động đã ngừng việc để yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại mức thưởng.

Đơn cử, giữa tháng 12/2021, khi biết mức thưởng Tết năm nay chỉ bằng 60% so với năm ngoái, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Freetrend A tại Khu chế xuất Linh Trung II, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã dừng sản xuất và yêu cầu tăng tiền thưởng Tết. Trong khi công nhân yêu cầu phải thưởng bằng năm ngoái thì phía doanh nghiệp thông báo khó đáp ứng, bởi dịch COVID-19 khiến nhà máy ngừng sản xuất gần 3 tháng, một số tháng cầm chừng, kế hoạch sản xuất năm không hoàn thành, lợi nhuận giảm, do đó thưởng Tết thấp hơn 40% so với trước khi COVID-19 xuất hiện.

Chia sẻ, cùng phục hồi sản xuất

Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, do dịch COVID-19, năm 2021, cả doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn, nên nếu thưởng Tết vẫn tính trọn vẹn năm sẽ là thách thức lớn của doanh nghiệp, nhưng nếu thưởng ít hơn lại khó khăn với người lao động.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cũng cho hay, suốt thời gian dài, các doanh nghiệp sản xuất trên cả nước, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính, kiệt quệ dòng tiền do bị phạt chậm đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, cũng như chi phí từ “3 tại chỗ”, xét nghiệm COVID-19…

Tuy nhiên, đa phần người lao động không có tích lũy nên đặt nhiều kỳ vọng vào tiền thưởng Tết để thêm một khoản chi tiêu. Do vậy, doanh nghiệp cần tính toán thưởng Tết hợp lý để động viên người lao động; ngược lại người lao động cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, mục tiêu trước mắt là cùng với doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhằm bảo đảm thu nhập bền vững.

Thưởng Tết không những là động lực để người lao động yên tâm sản xuất, mà còn là yếu tố để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thiếu lao động như trong hiện nay. Để bảo đảm mọi người lao động đều có Tết, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã yêu cầu, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tiếp tục giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động.

Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành và địa phương hỗ trợ kịp thời những doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 không có khả năng chi trả lương và tiền thưởng Tết cho công nhân; không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công. Tổ chức chăm lo cho người lao động, sinh viên không có điều kiện về quê ăn tết. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách về chăm lo tết tới các hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón Tết.

Theo daibieunhandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuong-tet-dong-long-vuot-bao-covid-344604.html