Thương nhớ những ngày tết xưa

Khi những tờ lịch trên tường đã gỡ mỏng dần, thời gian ngày càng tiến về những ngày cuối năm. Nắng cũng hanh hao hơn, gió cũng lao xao hơn và mọi người cũng tất bật hơn. Trong những câu chuyện hàng ngày, lúc nào cũng sẵn mấy câu: Ngày mấy về quê, tết nhất sắm sửa đến đâu rồi? Tết này được thưởng nhiều không? Năm nay ăn tết nhà nội hay nhà ngoại?

Vậy là tết đã cận kề. Những lúc ấy lòng tôi lại bâng khuâng đến lạ. Tôi nhớ những ngày xưa đã qua, những ngày tết chỉ còn trong ký ức nhưng rõ nét vô cùng.

Quê tôi - một miền quê nghèo xứ Quảng những ngày giáp tết này rộn ràng hẳn. Từ đầu tháng Chạp người quê đã dựng che đạp mía. Những lò đường đỏ lửa từ tinh sương đến tối mịt. Mùi mía, mùi đường thơm ngát một vùng quê. Trên những cánh đồng cũng nhộn nhịp không kém. Từ sáng sớm, mọi người đã gọi nhau ra đồng. Tiếng nói tiếng cười vang khắp trên bãi mía, vồng khoai, luống đậu. Mọi người ai cũng tranh thủ làm cho xong việc đồng án để về chuẩn bị tết.

Những ngày sát tết luôn là những ngày được mong đợi nhiều nhất. Lũ trẻ con chúng tôi sẽ không phải đến trường. Thích nhất là được má cho đi chợ tết, được má may cho những bộ quần áo mới mà nhiều năm về sau mặc vẫn còn vừa.

Chỉ cần má nói mai má cho đi chợ cùng là cả ngày hôm đó sẽ nôn nao, tối sẽ trằn trọc không ngủ được. Chợ tết với tôi ngày đó là một thế giới ảo diệu, bồng bềnh như một giấc mơ với hàng trăm món hàng bắt mắt được bày bán san sát nhau, những bộ quần áo sặc sỡ, những gói kẹo xanh vàng, những bong bóng đủ màu luôn có sức hấp dẫn đối với tôi.

Nhưng tôi cũng không dám nhìn lâu, sờ lâu vì trước khi đi má tôi đã dặn không được lơ đãng nếu không sẽ bị lạc mất nhau giữa chợ. Chợ tết đông nghịt người, người bán, người mua, người mời chào, người trả giá, tiếng nói tiếng cười, tiếng hỏi thăm nhau rộn ràng một góc chợ quê. Tôi lẽo đẽo nắm vạt áo má, lòng hân hoan như nắng mới bên thềm.

Vui nhất là những ngày làm thịt lợn chia tết. Bắt đầu từ 26, 27 tháng Chạp là khắp làng trên xóm dưới từ tờ mờ sáng đã nghe tiếng lợn kêu eng éc. Lũ trẻ con chúng tôi được phân công nấu nước sôi và phần thưởng sẽ là chiếc bong bóng lợn để làm đồ chơi. Người ta trải lá chuối trên những chiếc nong tre, thịt xẻ ra quăng lên lá chuối và dùng lạt xâu thịt lại thành từng chùm. Mỗi phần thịt lợn được chia khéo léo và đều nhau. Phần nào cũng có xương và thịt, thịt thì có đầy đủ cả thịt đùi, thịt mông, thịt ba chỉ, thịt vai và cả lòng nữa.

Hình ảnh má xách xâu thịt lợn đi chia về mãi về sau vẫn in đậm trong tâm trí tôi.

Ngày xưa đói khổ nhưng tết luôn "đủ đầy". Cả năm má tôi phải chạy ăn từng bữa, thiếu trước hụt sau nhưng tết chưa bao giờ tôi thấy má để anh em tôi phải thiếu thốn điều gì. Cũng áo hoa, cũng bánh chưng, cũng kẹo mứt, cũng phong bao lì xì. Những ngày tết má tôi làm rất nhiều món bánh đặc trưng xứ Quảng.

Lúc nhỏ tôi không hiểu vì sao đôi bàn tay chai sần của má quanh năm bám ruộng bám đồng lại có thể khéo léo làm những chiếc bánh vừa đẹp vừa ngon. Nào bánh tổ, bánh thuẫn, bánh in, bánh ít lá gai. Bánh nào má tôi làm cũng ngon nhất vùng. Tôi cũng học theo má làm những món bánh ấy để neo giữ lại vị tết cho con nhưng mãi chẳng thể ngon như má đã từng làm.

Bây giờ, cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. Tết chỉ là dịp để mọi người nghỉ ngơi, đi du lịch đây đó dài ngày. Chẳng mấy ai còn ngồi tỉ mỉ rang nếp, đem xay thành bột rồi làm bánh. Chỉ cần ngồi nhà đặt là người ta sẽ ship đến tận nơi. Cũng chẳng còn ai háo hức ngồi ở ngõ chờ má xách xâu thịt lủng lẳng về mà tưởng tượng ra đủ món ngon nào thịt ngâm mắm, nào thịt kho tàu, nào chiếc nem chua xinh xinh. Cũng không còn ai hồi hộp mong chờ những chiếc áo hoa thơm mùi vải mới.

Tôi đã đi qua bao nhiêu mùa Xuân, đã trông chờ bao nhiêu lần Tết nhưng càng lớn lên tôi càng hiểu, cũng bánh chưng đó, cũng mai đào đó, cũng áo quần mới đó nhưng mãi mãi tết không còn là tết như ngày xưa nữa, mãi mãi chỉ còn là tiếc nuối và hoài mong.

LAM KHUÊ

Huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuong-nho-nhung-ngay-tet-xua-post728769.html