Thương, ghét khoai mì!

Mới đây, tôi tới thăm gia đình anh thông gia. Ngôi nhà đẹp, khoảnh vườn nhỏ xinh, hoa cảnh tươi sáng. Nơi giậu rào thưa tôi bắt gặp một loài cây khẳng khiu, chơ vơ, khơi gợi niềm nhớ trong tôi đến nao lòng về quãng đời gian nan, vất vả không phải chỉ riêng tôi. Loài cây lương thực có thân gầy xương xẩu đã ghi dấu kỷ niệm sâu sắc với nông dân miền sơn địa.

Khơi về ký ức thuở đó dân mình khắp miền phải gánh chịu lao khổ nhọc nhằn do khủng hoảng thiếu hụt lương thực trầm trọng, khi nguồn lương thực hạn hẹp ưu tiên cho quân lực hai chiến trường phía Bắc và Tây Nam đang diễn ra cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Bạn đọc cũng đã biết đó là cây khoai mì, một loại cây lương thực đồng hành với cuộc đấu tranh sinh tồn thống khổ của dân mình nơi những miền sơn địa xây dựng khu kinh tế mới từ năm 1977 đến khoảng năm 1990.

Anh thông gia cũng là bộ đội xuất ngũ như tôi. Anh biết tôi đang cảm xúc buông chùng tâm trí như cung đàn trầm buồn. Tôi đứng yên đối diện với thân cây gầy nhom có nhiều “con mắt” mầm giương lên trăng trối nhìn tôi. Chóp lá kép hình bàn tay 7 hoặc 9 lá xòe ra như muốn chào hỏi, bắt tay tôi: “Này! Anh bộ đội còn nhớ tôi không? Có lẽ nào anh lại quên tôi?”.

“Không! Không! Tôi nhớ rồi! Anh đừng trách tôi rưng rưng mềm lòng. Thương, ghét lẫn lộn cảm xúc tràn dâng trong lòng tôi. Anh đã cho tôi và đồng đội biết hương vị chất độc xy-a-nuya đáng ghét thấm vào tận xương tủy. Anh vàng ệch, đắng nghét, lợm họng, nhưng tôi phải cố nhét anh vào bụng để ngăn cơn đói giày vò cơ thể. Anh đã giúp tôi hiểu qua mấy cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tinh thần bất khuất, kiên cường của quân dân mình”.

Anh thông gia đứng nghiêm như mặc niệm, tôn trọng cảm xúc của tôi. Chính anh đã trồng cây khoai mì nơi vườn nhà nhiều năm rồi. Đồng đội tới chơi, anh bới vài củ mì, xắt khoanh, lột vỏ, chẻ ra lấy bỏ tim khoai, ngâm nước muối thải chất độc xy-a-nuya. Anh luộc khoai mì với lá dứa thơm, ăn khoai chấm muối đường trộn đậu phộng rang giã nhỏ. Anh cũng bẻ lá khoai mì vò giập, muối chua làm món nộm rau. Anh thông gia nói: “Ăn khoai mì cũng thấy ngon mà rưng rưng trong lòng. Ăn khoai mì để nhấm nháp kỷ niệm thời tuổi trẻ anh hùng với cuộc chiến tranh Tây Nam đẫm chất bi tráng ngấm sâu vào tâm trí. Ăn khoai mì để mà thương nhớ bao người thân quen đã đồng hành trong cuộc tranh đấu sinh tồn trong lịch sử đời mình”.

Năm 1977 sự kiện di dân làm kinh tế mới phát động khắp các tỉnh, thành. Hàng ngàn lao động lên rừng khai hoang trồng khoai mì. Đất mới, khoai mì củ to nhiều. Thuở đó sơ khai mông muội, dân mình chưa biết độc tố xy-a-nuya trong khoai mì có thể giết người, hoặc ngấm trong phủ tạng gây phù thủng. Khoai mì là cây lương thực chủ lực, dễ trồng, năng suất cao, ít sâu bệnh.

Ăn khoai mì là phải ăn dè, ăn ít, ăn từ từ, chầm chậm. Trong miệng nhẫn nhẫn, hăng đắng là vị độc xy-a-nuya. Nhưng, anh bạn đang đói, háu ăn vài củ khoai mì nướng chưa kịp chín. Anh chóng mặt, trướng bụng, tháo mồ hôi, miệng chảy nước dãi, tay run giật, là anh bị trúng độc cấp tính, phải móc họng cho anh ói hết ra, cho uống nước muối giải độc. Hú hồn hú vía!

Tiến bộ đáng kể của dân mình là biết làm tinh bột mì. Nhưng làm thì cực nhọc mà ăn thì hao tốn. Mười phần khoai mì thanh lọc, mất bảy phần xác thối độc hại, được ba phần tinh bột. Cách làm công phu, người bền chí thì làm được. Khoai mì lột vỏ, rửa sạch, xay giã nhuyễn, hòa nước, rây lược xác, còn bột. Ngâm bột, xả nước vàng trong ba ngày. Nước trong, lắng bột, đổ bỏ nước, còn tinh bột mì, phơi ba nắng tốt.

Chuyện này bạn đọc thấy cảm mến thì tặng tôi trái tim hồng. Đêm trăng sáng tôi chắt chiu mấy đồng tiền trong túi, rủ bạn gái tới quán bà Ba ăn bánh bột lọc nhân tôm. Là bột khoai mì lọc đó. Chút bột trong suốt bọc con tôm nhỏ xíu chấm mắm đường, hành mỡ, chanh ớt, chua cay, mặn ngọt, thơm nồng, dai dai sần sật. Cây đèn trứng vịt tim gòn thắp dầu lửa soi bóng đôi tình nhân ngồi bên nhau ăn bánh bột lọc. Dáng điệu tình tứ, ân cần, âu yếm. Nét mặt hân hoan ra vẻ mình đây sang chảnh lắm, hãnh diện lắm, bởi quanh năm cứ ăn khoai mì lát.

Được cha tôi yêu chiều sở thích văn nghệ của tôi. Người cho phép tôi bán năm tạ khoai mì tại rẫy để lấy tiền đi thành phố mua cây đàn ghi-ta. Tiếng đàn tôi đêm đêm xoa dịu vết chai sần hằn trên vai em vì gánh khoai mì. Tiếng đàn tôi ru em vào cơn mộng tưởng tới thiên đường. Nhịp điệu hành khúc dập dồn vang động trên chòi rẫy xua đuổi cọp beo chạy xa lên núi. Tiếng đàn tôi hòa tiếng hát con trai con gái nối vòng tay lớn, ăn khoai mì trường kỳ mà hát vồng gân cổ. Mặt ai nấy xanh lét màu lá rừng. Cơn sốt rét hành tôi rung giật bần bật sạp tre chòi rẫy, lũ heo rừng tưởng động đất bỏ chạy trối chết. Ngày, tôi cuốc đất trồng khoai mì. Đêm, tôi gảy đàn cho em hát và dẫn em đi ăn bánh bột lọc mỗi tháng một lần. Ngẫm ngợi lại ngày đó, bánh bột lọc nhân tôm kết nối thương yêu, cho tình yêu đôi lứa thêm màu thi vị để mà vui sống.

Tôi lại nhớ mẹ tôi, hình dung rõ ràng dáng mẹ ngồi băm khoai mì khô thành miếng nhỏ. Mẹ ngâm khoai một đêm xả nước vàng mấy lần rồi nấu cạn nước, ghế nồi khoai trên than hồng. Khoai mì chín rồi trộn gạo nấu cơm độn ba gạo bảy mì. Của không ngon đông con cũng hết. Nồi cơm độn bữa nào cũng được cạo cháy giòn thơm nghe sồn sột. Cho tới khi tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Mẹ tôi làm bánh bột lọc nhân tôm cho tôi ăn đã thèm.

Xong nghĩa vụ quân sự tôi về quê cưới vợ, đặt lò nấu rượu hai can nhựa là bốn chục lít rượu đế khoai mì. Ngày cưới của vợ chồng tôi, đồng đội lại gặp nhau uống rượu khoai mì say khướt. Bây giờ nghĩ lại thấy kinh sợ, tôi đã bị ít nhất là một lần say rượu khoai mì là mê man bất tỉnh nhân sự. Chợt tỉnh lại đầu óc như bị đục khoét trống rỗng. Lục phủ ngũ tạng như lộn tùng phèo. Có vài người bạn ngày lại ngày uống rượu đế khoai mì, cứ say, say và say. Chất độc tàn phá gan thận. Rồi có một ngày ma men gọi lời vĩnh biệt khi tuổi đời còn trai trẻ.

Lịch sử khoai mì chuyển biến thăng trầm. Khi Đài Loan xây dựng nhà máy chế biến tinh bột đưa cây khoai mì tới “vinh quang”. Tinh bột mì là nguyên liệu chính cho ngành công nghệ chế biến thực phẩm. Đất đồi miền sơn địa trồng khoai mì năng suất cao, làm mới khuôn mặt nông thôn. Nhà xây đẹp bền, phương tiện, xe máy, thiết bị gia dụng đầy đủ. Nhưng cũng làm cho xóm làng kề cận nhà máy như bị dội bom hóa học, khủng bố thần kinh, ai nấy đều bị nghẹt thở, đau đầu vì mùi chất thải thối khắp khủng khiếp. Kẻ khóc, người cười, bao phen to tiếng kêu cầu cứu giúp. Đến nay cũng ổn định những giải pháp sản xuất và bảo vệ môi trường. Nơi tôi đang sinh sống, chất thải của việc chế biến khoai mì được xử lý thanh lọc, không gây mùi hôi, không xả thải ra môi trường.

Mới đây, các nhà máy chế cồn ethanol pha xăng sinh học E5 được xây dựng. Nguồn nguyên liệu chính là khoai mì, mở ra triển vọng thị trường nông sản cho nông dân tiêu thụ khoai mì, cứ yên tâm canh tác, không lo bị ế hàng. Ngoài khoai mì chính vụ, còn có khoai mì đông xuân được thúc đẩy sản xuất để có nguồn nguyên liệu quanh năm.

Lịch sử khoai mì đã kinh qua quãng đời tôi và các bạn cùng thời lưu lại ký ức đầy rẫy lao khổ nhọc nhằn. Nắng dội mưa dầm trần thân vất vả nơi đất đồi miền sơn địa. Thương yêu cũng có. Và giận ghét cũng nhiều. Giờ đây niềm hy vọng đời sống phát triển kinh tế nông nghiệp, khi đã có các nhà máy lớn tiêu thụ khoai mì.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thuong-ghet-khoai-mi-119770.html