Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn thắt chặt hợp tác an ninh

Tiến trình hướng tới các mối quan hệ mạnh mẽ hơn, được thể chế hóa hơn giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc tăng tốc khi lãnh đạo các quốc gia này gặp nhau tại Trại David, nơi nghỉ dưỡng của Tổng Thống Mỹ, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên. Cả 3 chính phủ đều hiểu sự cần thiết phải có một cấu trúc hợp tác sâu hơn, ổn định hơn, được cách ly khỏi tác động xói mòn của các vấn đề lịch sử.

Tuy nhiên, cho dù hội nghị có tiến xa đến đâu, hay những tuyên bố của các nhà lãnh đạo có hướng tới tương lai như thế nào thì tương lai của hợp tác 3 bên vẫn sẽ phụ thuộc những hành động cụ thể. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tạo dựng mối quan hệ với lòng tin và sự tín nhiệm sâu sắc giữa công dân của 3 quốc gia. Cần có sự lãnh đạo thực sự để xây dựng nền tảng cho tương lai.

Hội nghị thượng đỉnh này là thành quả sau nhiều năm nỗ lực để vượt qua những di sản lịch sử cay đắng, hầu hết bắt nguồn từ việc Nhật Bản chiếm đóng và thuộc địa hóa Bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu thế kỷ 20. Thế nhưng, quá khứ nghiệt ngã đó giờ đây đã bị lu mờ bởi môi trường an ninh phức tạp trong khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh 3 bên ban đầu dự kiến diễn ra bên lề cuộc họp G7 vào tháng 5/2022 mà Nhật Bản đăng cai tổ chức tại Hiroshima. Tuy nhiên, những rắc rối chính trị trong nước đã buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden phải rút ngắn chuyến đi của mình. Vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên Nhật - Mỹ - Hàn lần đó đã bị hủy bỏ. Hội nghị Hiroshima dự kiến lần đó là một phần trong chuỗi các cuộc gặp 3 bên, trong đó có cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước vào tháng 6 vừa qua bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Trại David, Washington, ngày 18/8

Các quan chức cấp cao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành hơn 50 cuộc trao đổi - gần như mỗi tuần một lần - để giải quyết các mối quan ngại trong khu vực trong suốt năm qua, dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc qua điện thoại; 2 hội nghị thượng đỉnh cấp lãnh đạo và 9 hội nghị cấp bộ trưởng đã diễn ra.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, các nhà lãnh đạo thông báo sẽ tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường niên cũng như các cuộc gặp hằng năm giữa bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng và các quan chức an ninh quốc gia cấp cao.

Ngoài kế hoạch phối hợp thông tin phòng thủ tên lửa đã được công bố trước đó, 3 nước được cho là đang xem xét thành lập các nhóm tư vấn 3 bên về những vấn đề như trí tuệ nhân tạo, an ninh kinh tế, an ninh mạng và đường dây nóng 3 bên để sử dụng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Theo báo cáo, “Các nguyên tắc Trại David” sẽ thúc đẩy những nỗ lực này,, trong đó nhấn mạnh cam kết chung nhằm duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên quy tắc cũng như các nỗ lực tăng cường nhằm thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trọng tâm của bất kỳ cơ chế an ninh 3 bên nào là hiểu biết chung và cam kết tăng cường răn đe, nỗ lực để đảm bảo rằng cơ chế được củng cố và vận hành, đồng thời thừa nhận rằng các mối đe dọa đối với một bên là mối đe dọa với tất cả. Hợp tác quân sự dưới hình thức tập trận 3 bên như tập trận chung chống tàu ngầm và phòng thủ tên lửa là trụ cột của nỗ lực này, nhưng nó đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều bao gồm tất cả các yếu tố của sức mạnh quốc gia. Để đạt hiệu quả cao nhất, sẽ có sự phân công công việc và trách nhiệm giữa 3 quốc gia, cho phép mỗi quốc gia đóng góp theo cách thức và phương tiện mà họ có khả năng nhất, cho dù vấn đề là hỗ trợ nhân đạo, viện trợ phát triển, an ninh cứng rắn, an ninh kinh tế, sức khỏe toàn cầu hay các công nghệ mới nổi.

Sự linh hoạt này, cùng với đồng thuận về thách thức an ninh khu vực, sẽ không chỉ tạo ra mà còn giúp mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác 3 bên. Điều này sẽ giúp bảo vệ khuôn khổ an ninh trước những thăng trầm chính trị và thay đổi chính quyền ở cả 3 nước. Khi lên đường tới Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gọi hội nghị thượng đỉnh lần này là “cơ hội lịch sử để tăng cường phối hợp chiến lược 3 bên dựa trên quan hệ song phương mạnh mẽ chưa từng có của chúng ta với Mỹ và Hàn Quốc”.

Tuy nhiên, vẫn còn đó các yếu tố cản trở ngay cả trong thời điểm thuận lợi này. Washington muốn đẩy mạnh quân sự hơn nữa để củng cố khả năng răn đe mở rộng - tạo ra cuộc đối thoại răn đe mở rộng 3 bên - nhưng vấp phải sự phản đối từ cả hai đồng minh. Tokyo lo ngại về tác động chính trị trong nước của các cuộc thảo luận hạt nhân đa phương trong khi Seoul muốn duy trì tính độc quyền của Nhóm tư vấn hạt nhân mới thành lập.

Đáng lo ngại nữa là vị thế chính trị của các nhà lãnh đạo. Mỗi người đều phải đối mặt với sự phản đối nghiêm trọng trong nước và có thể bị thay thế trong vòng 2 năm tới. Không có gì đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo tương lai ở Washington hay Seoul sẽ có chung ưu tiên với những người tiền nhiệm cũng như sẽ tiếp tục các chính sách của họ. Sự thật đáng buồn là đồng thuận tại mỗi quốc gia và giữa 3 nước đồng minh rất mong manh. Các đảng đối lập đưa ra đề xuất hoàn toàn khác nhau về an ninh quốc gia và chúng có thể gây nguy hiểm cho các liên minh lâu đời. Ngay cả khi không đến mức như vậy, sự khác biệt trong quan điểm và cách tiếp cận đối với một số vấn đề, quốc gia cụ thể vẫn sẽ là mối đe dọa đối với sự đoàn kết hiện nay của nhóm, thứ đã trở thành động lực khiến cho hội nghị thượng đỉnh lần này trở thành một sự kiện có ý nghĩa với cả 3 nước.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thuong-dinh-my-nhat-han-that-chat-hop-tac-an-ninh-i705180/