'Thùng thuốc súng' Trung Đông

Hàng loạt vụ đấu tên lửa qua lại giữa Iran và Israel dọc theo biên giới Syria có thể khẳng định điều mà nhiều người lo ngại: việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh khu vực và bùng nổ nguy cơ xung đột ở Trung Đông.

Xe tăng quân sự của Israel được đặt trong tình trạng báo động ở Cao nguyên Golan (hiện do Israel kiểm soát), gần biên giới với Syria. Ảnh: AP

Căng thẳng quân sự leo thang ở Trung Đông bùng phát trong ngày 10-5, khi Israel tuyên bố đã tấn công gần như tất cả cơ sở hạ tầng quân sự của Iran ở Syria, sau khi các lực lượng của Tehran phóng rocket nhằm vào vùng lãnh thổ do Tel Aviv chiếm đóng trên Cao nguyên Golan.

Chưa có dấu hiệu lắng dịu

Và cho đến nay, bất chấp kêu gọi từ LHQ và các quốc gia, căng thẳng giữa Israel và Iran vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Ngày 11-5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman hối thúc Tổng thống Syria Bashar al-Assad trục xuất lực lượng Iran khỏi nước này. Phát biểu trong chuyến thăm khu vực Cao nguyên Golan, Bộ trưởng Lieberman nhấn mạnh: “Tôi muốn nhân cơ hội này để gửi một thông điệp tới Tổng thống Assad: Hãy đuổi lực lượng Iran khỏi Syria”. Trong khi đó, một giáo sĩ cao cấp của Iran, ông Ahmad Khatamir cảnh báo, nếu Israel có hành động “dại dột”, các thành phố Tel Aviv và Haifa của nước này sẽ bị phá hủy.

Phía Tehran cũng khẳng định, Syria có mọi quyền tự vệ chống lại sự xâm lược của Israel. Quốc gia Hồi giáo cũng chỉ trích cộng đồng quốc tế đã câm lặng trước các cuộc tấn công của Israel. “Iran lên án mạnh mẽ... các cuộc tấn công của Israel ở Syria. Sự im lặng của cộng đồng quốc tế đã khuyến khích hành động xâm lược của Israel. Syria có mọi quyền để tự bảo vệ mình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi, nhấn mạnh.

Bản thân Syria cũng tuyên bố sẵn sàng giáng trả các cuộc không kích mà lực lượng Israel nhằm vào lãnh thổ nước này. Đại sứ Syria tại Trung Quốc Imad Moustapha khẳng định, Syria sẽ không ngần ngại tấn công các mục tiêu quân sự Israel bởi Damascus có quyền tự vệ. Đại sứ Moustapha cũng bác bỏ những tuyên bố của Israel cho rằng, các vụ tấn công vừa qua của Tel Aviv không nhằm vào lực lượng vũ trang Syria.

Lo cho Trung Đông

Hàng loạt vụ đấu tên lửa qua lại giữa Iran và Israel dọc theo biên giới Syria có thể khẳng định điều mà nhiều người lo ngại: việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh khu vực và bùng nổ nguy cơ xung đột ở Trung Đông.

Các nhà quan sát Trung Đông cảnh báo, quyết định hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Donald Trump như tiếp thêm đôi cánh cho Israel và Saudi Arabia trong cuộc chiến chống lại Iran và các phe phái ủng hộ Tehran trong khu vực. Điều này cũng gây ảnh hưởng lớn cho những nhân vật chính trị khá ôn hòa của Iran như Tổng thống Hassan Rouhani và khuyến khích những người bảo thủ cứng rắn của nước này và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), một tổ chức quân sự ưu tú trung thành với nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, hành động mạnh mẽ hơn.

Và nỗi lo sợ thường trực lâu nay là cuộc xung đột quân sự lớn hơn giữa những người chơi thống trị ở Trung Đông sẽ biến thành một cuộc xung đột toàn khu vực, kéo các cường quốc như Nga và Mỹ vào cuộc. Nó cũng có thể làm tắc nghẽn nguồn cung cấp dầu từ trung tâm xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.

Những vụ phóng tên lửa qua lại kéo dài giữa Israel và Iran hôm 10-5 chỉ là sự bùng phát mới nhất trong cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm ở Syria, vốn đã kéo theo Nga, Mỹ và các nước khác tham chiến. Ngoài Syria, Iran đang ủng hộ nhóm chính trị và dân quân Hezbollah ở Lebanon, một tổ chức mà Mỹ liệt kê vào tổ chức khủng bố trong khi Israel xem là kẻ thù. Iran cũng có ảnh hưởng đáng kể đối với các lực lượng dân quân ở Iraq, và Tehran được cho là ủng hộ lực lượng vũ trang nổi dậy Houthi ở Yemen trong cuộc chiến chống lại các đối thủ và liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu.

Đó là chưa kể đến vấn đề của Qatar. Quốc gia nhỏ bé này hiện vẫn đang nằm trong cuộc phong tỏa của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Và nguyên nhân phần lớn là do mối quan hệ của quốc gia Vùng Vịnh này với Iran.

Và một thách thức cần nói đến nữa là “thùng thuốc súng” Trung Đông này có thể lấn át hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12-6 tới.

KHẢ ANH

PHÁP CHỈ TRÍCH MỸ ÁP ĐẶT TRỪNG PHẠT “KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN” VỚI IRAN

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 11-5 đã chỉ trích gay gắt việc Mỹ tái áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt các Cty nước ngoài giao dịch với Iran, cho rằng động thái này là “không thể chấp nhận được”. Điều này cho thấy sự rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa Washington và các nước đồng minh Châu Âu về vấn đề này.

Sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Tehran cũng như với các quốc gia có giao dịch thương mại với quốc gia Hồi giáo này.Washington cũng đã ra thời hạn cho phép các Cty Châu Âu làm ăn ở Iran có 6 tháng để kết thúc các hoạt động đầu tư tại đây nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Những Cty này cũng bị cấm ký hợp đồng mới với Iran.

Hiện, một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Ngoại trưởng nước này Javad Zarif sẽ thăm Trung Quốc, Nga và Bỉ để thảo luận về tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_183006_-thu-ng-thuo-c-su-ng-trung-dong.aspx