Thuế quan định hình lại lộ trình lãi suất của các NHTW lớn
Chính sách thuế quan đầy bất định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế kinh tế toàn cầu, buộc các NHTW lớn phải đánh giá lại các bước đi tiếp theo của mình.
Các nhà hoạch định chính sách bên ngoài Mỹ hiện có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn so với những gì họ đã làm nếu không có thuế quan - hoặc trong trường hợp của Nhật Bản là tăng ít hơn. Sau đây là cái nhìn của giới phân tích về lộ trình chính sách của 10 NHTW ở các thị trường phát triển.

Biểu đồ chấm cho thấy lãi suất chính sách của các NHTW G10 vào ngày 1/3/2024 và ngày 17/4/2025 với lãi suất mới nhất được tô sáng bằng màu dựa trên việc các ngân hàng đã cắt giảm, giữ nguyên hay tăng lãi suất (Nguồn: Reuters/LSEG)
1/ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB)
SNB sẽ không họp cho đến tháng 6, nhưng đây sẽ là một cuộc họp thú vị, vì thị trường kỳ vọng cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất từ 0,25% xuống 0%.
SNB cho biết họ không muốn đi xa hơn và quay trở lại mức lãi suất âm, nhưng đồng franc Thụy Sĩ tăng mạnh trong thời gian gẫn đây đang gây tổn hại đến nền kinh tế và có thể đẩy Thụy Sĩ vào tình trạng giảm phát. Franc Thụy Sĩ là đồng tiền của thị trường phát triển có hiệu suất tốt nhất kể từ thông báo áp thuế quan đối ứng vào ngày 2/4 của ông Trump.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Thụy Sĩ trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)
2/ NHTW Canada (BoC)
BoC đã giữ nguyên lãi suất ở mức 2,75% hôm 16/4, lần tạm dừng đầu tiên sau 7 lần cắt giảm liên tiếp, với lý do họ muốn biết thêm thông tin về tác động của thuế quan.
Thống đốc Tiff Macklem cho biết, sự không chắc chắn khiến việc đưa ra dự đoán kinh tế trở nên khó khăn. “Dự báo về tăng trưởng kinh tế hầu như không có tác dụng gì để hướng dẫn cho bất kỳ điều gì”, ông lưu ý.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược vào khả năng BoC sẽ có thêm hai lần cắt giảm nữa vào cuối năm.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Canada trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)
3/ Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ)
RBNZ đã cắt giảm lãi suất chủ chốt 25 điểm cơ bản xuống còn 3,5% vào tuần trước, nâng tổng mức cắt giảm kể từ tháng 8/2024 đến ay lên 200 điểm cơ bản.
Nền kinh tế New Zealand đang chịu ảnh hưởng mạnh từ Trung Quốc, khiến nước này có nguy cơ bị tổn thất không nhỏ do cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Bởi vậy thị trường dự kiến RBNZ sẽ có thêm khoảng 3 lần cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay, mặc dù dữ liệu hôm thứ Năm (17/4) cho thấy lạm phát tại New Zealand cao hơn dự kiến.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Canada trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)
4/ NHTW Thụy Điển (Riksbank)
Riksbank đã giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25% vào tháng 3 và dự kiến sẽ duy trì ở mức này trong thời gian tới.
Riksbank hiện đang có quan điểm ôn hòa, nới lỏng lãi suất từ 4% để hỗ trợ nền kinh tế trì trệ, nhưng thị trường đồng ý với các nhà hoạch định chính sách rằng khả năng cắt giảm thêm nữa là không cao.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Thụy Điển trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)
5/ NHTW châu Âu (ECB)
ECB đã có lần cắt giảm lãi suất thứ 7 trong vòng 1 năm qua vào thứ Năm (17/4), đưa lãi suất tiền gửi xuống còn 2,25%. Chưa dừng lại ở đó, cơ quan này còn phát đi tín hiêụcó thể sẽ tiếp tục nới lỏng thêm.
ECB cho biết, triển vọng tăng trưởng đã xấu đi do căng thẳng thương mại gia tăng và phản ứng biến động của thị trường có thể khiến các điều kiện tài chính thắt chặt.
Hiện thị trường hiện đang kỳ vọng ECB sẽ có thêm 2 hoặc 3 lần cắt giảm 25 điểm cơ bản nữa trong năm nay.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Eurozone trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)
6/ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)
Fed đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan vì họ kỳ vọng thuế quan sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát lên cao hơn.
Chủ tịch Jerome Powell cho biết trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế Chicago hôm thứ Tư (16/4) rằng, điều đó sẽ khiến Fed ở chế độ “chờ đợi và quan sát” để có thể thấy rõ hơn nền kinh tế sẽ tiến triển theo hướng nào.
Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25% - 4,5% suốt từ tháng 12/2024 đến nay, sau khi cắt giảm 100 điểm cơ bản trong năm 2024. Nhưng cho đến khi ông Trump tạm dừng một số mức thuế quan đối ứng vào tuần trước, các nhà giao dịch đã dự đoán Fed sẽ cắt giảm vào tháng tới để hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên hiện thị trường kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng 5. Thế nhưng tình thế đã trở nên phức tạp hơn khi Trump liên tục chỉ trích ông Powell chậm giảm lãi suất. Thậm chí ông còn cho biết việc chấm dứt hợp đồng của Powell “không thể diễn ra đủ nhanh”.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Mỹ trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)
7/ NHTW Anh (BoE)
Các thị trường thấy hơn 80% khả năng BoE sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 5 và kỳ vọng sẽ tiếp tục với tốc độ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong suốt phần còn lại của năm 2025.
BoE đã cắt giảm chậm hơn nhiều ngân hàng khác vì họ kỳ vọng lạm phát sẽ tăng. Tuy nhiên, mức giảm thấp hơn dự kiến của tháng 3 sẽ giúp họ tự tin cắt giảm vào tháng tới.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Anh trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)
8/ Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA)
Nền kinh tế Australia cũng chịu ảnh hưởng lớn từ căng thẳng thương mại Trung - Mỹ do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Vì vậy thị trường đã tăng cường đặt cược cắt giảm lãi suất khi căng thẳng gia tăng.
Đặc biệt RBA chỉ bắt đầu nới lỏng vào tháng 2, nên thị trường kỳ vọng cơ quan này sẽ khẩn trương hơn, khi thấy khả năng RBA có thể cắt giảm lãi suất tới 50 điểm cơ bản vào tháng 5 và cắt giảm gần 125 điểm cơ bản trong năm nay.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Australia trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)
9/ NHTW Na Uy (Norges Bank)
Norges Bank đã giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 17 năm là 4,50% vào tháng trước, vì lạm phát bất ngờ tăng trở lại khiến các nhà hoạch định chính sách hoãn các kế hoạch cắt giảm trước đó.
Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng cơ quan này sẽ có đợt cắt giảm vào tháng 6 và sẽ còn nhiều đợt cắt giảm nữa.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Na Uy trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)
10/ NHTW Nhật Bản (BoJ)
BoJ vẫn là NHTW ngoại lệ khi hiện cơ quan này vẫn đang trong lộ trình tăng lãi suất, mặc dù thuế quan đã làm phức tạp vấn đề.
Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết, BoJ có thể cần phải hành động nếu thuế quan gây tổn hại đến nền kinh tế, báo hiệu rằng họ có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất, vốn đã đưa lãi suất lên tới 0,5%.
Tuy nhiên việc làm này có thể khiến đà tăng giá gần đây của đồng yên dừng lại hoặc thậm chí đảo chiều, và điều đó có khả năng khiến ông Trump tức giận khi ông dã từng chỉ trích Nhật Bản thao túng tiền tệ để làm suy yếu đồng yên nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.
Hiện các quan chức Nhật Bản cũng lo ngại tốc độ tăng lãi suất chậm từ mức cực thấp có thể bị chỉ trích trong các cuộc đàm phán thương mại, ngay cả khi nó không xảy ra trong vòng đàm phán đầu tiên.

Diễn biến lãi suất và lạm phát tại Nhật Bản trong 5 năm qua (Nguồn: Reutes/LSEG)