Thục Phán - An Dương Vương và cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược

Nhà Tần là một trong những triều đại hùng mạnh của chế độ phong kiến phương Bắc. Sau hàng thế kỷ bị chia cắt, cát cứ, năm 221 trước công nguyên, nước Tần tiêu diệt được các nước Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy, thống nhất Trung Quốc. Tần Doanh Chính lên ngôi lấy hiệu là Tần Thủy Hoàng.

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Tần Thủy Hoàng liên tục tiến hành những cuộc chiến tranh nhằm mở rộng lãnh thổ về cả phía Bắc lẫn phía Nam. Tư liệu cổ nhất ghi chép cuộc xâm lược về phía Nam là sách Hoài Nam Tử của hoàng thân nhà Hán là Hoài Nam vương Lưu An, sống sau thời Tần khoảng trên 50 năm.

Theo sách Hoài Nam Tử, năm 218 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng sai hiệu úy Đồ Thư đưa 50 vạn quân xâm lược nước ta. Để cuộc hành quân nhanh chóng, nhà Tần cử tướng Sử Lộc phụ trách việc xây dựng, sửa chữa đường, vận chuyển lương thực. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn), Đại quân của Đồ Thư chia thành 5 đạo theo nhiều hướng tiến công.

Dưới sự chỉ huy của Đồ Thư, trong 3 năm (218 - 215 trước công nguyên) kể từ khi xuất quân, đội quân xâm lược vừa phải đào kênh, vừa phải đối phó cuộc chiến đấu của người Việt, nên “ba năm không cởi giáp dãn nỏ”. Được trang bị bằng các lâu thuyền, quân Tần từ biển ngược vào các cửa sông tiến lên bộ, nhanh chóng chiếm Đông Việt, Mân Việt, Nam Hải, Quế Lâm và đặt thành quận huyện của nhà Tần.

Một phần đất Tây Âu cũng chịu chung số phận. Quân Tần ngược Tây Giang, chiếm hết hạ lưu, rồi lên Tầm Giang, Uất Giang, Ung Giang.

Sách Đại cương Lịch sử Việt Nam cho biết: “Sau ba năm hành quân (kể từ 218 - 215 trước công nguyên), quân Tần mới tiến đến đất Lĩnh Nam của người Việt. Đất Lĩnh Nam bấy giờ tương ứng với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và là địa bàn sinh sống của người Mân Việt, Tây Âu... Năm 214 trước công nguyên, với một lực lượng mạnh, quân xâm lược Tần đã chiếm được cả vùng Lĩnh Nam, giết chết tù trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống, chia đất Lĩnh Nam thành 3 quận sáp nhập vào lãnh thổ đế chế Tần (3 quận là Nam Hải, Quế Lâm, Quận Tượng). Nhưng bấy giờ người Việt Tây Âu không chịu khuất phục, kéo nhau chạy vào rừng, dưới sự chỉ huy của các tù trưởng chiến đấu chống lại quân Tần”.

Theo bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trước thế mạnh ban đầu của quân Tần, “người Việt đều vào rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt”. Đó không ρhải là cuộc chạy trốn vì khiếp sợ, bị thất bại, mà đó là cách đánh giặc.Người Việt rút vào rừng là để tránh thế mạnh lúc đầu của quân Tần, không muốn đánh lớn, không tổ chức quуết chiến khi chưa có lợi.

Trong sách Hoài Nam Tử còn ghi, sau khi vào rừng, “họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban ngày lẩn trốn, đêm ra đánh quân Tần”. Theo các sử gia trong cuốn Thời đại Hùng Vương thì “người tuấn kiệt được người Việt kháng chiến cử ra làm tướng không phải ai khác, mà chính là Thục Phán. Thục Phán đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tần, ông đã đưa người Việt từ chỗ phải chạy vào rừng núi đến chỗ giết hàng mấy chục vạn quân Tần và cuối cùng đánh bại quân Tần... đây là lần đầu tiên nhà Tần bị đánh bại trong mưu đồ xâm lược. Uy tín của Thục Phán vì vậy lên đến đỉnh chót của nó. Ông được người Âu Việt và người Lạc Việt thán phục về tài chỉ huy cuộc kháng chiến và cuối cùng được mọi người tôn lên làm vua để thay Hùng Vương”.

Cũng trong cuốn Thời đại Hùng Vương thì người “Kiệt tuấn” “Thục Phán là một nhân vật nằm trong khối cộng đồng người Việt, hoạt động ở miền Bắc nước Văn Lang, trong đó có tỉnh Cao Bằng ngày nay... Uy tín của Thục Phán cho phép ông đoàn kết được người Tây Âu và Lạc Việt. Khối đoàn kết này là cơ sở chính trị, là nguồn gốc mọi lực lượng để người Việt đánh bại quân Tần”.

Khi quân Tần tiến vào lưu vực Tây Giang là địa bàn người Tây Âu, chiếm hạ lưu rồi lên Tầm Giang, Uất Giang, Ung Giang, quân Tần tiếp tục tiến vào đất Tây Âu nhưng vấp phải sự chống cự quyết liệt. Người Việt thường xuyên tiến hành những cuộc tập kích bất ngờ và dùng cung nỏ bắn tỉa, làm rất nhiều quân Tần thương vong.

Quân Tần chiếm đóng các bản làng trống trải, không cướp được lương ăn, thường xuyên bị mai phục bắn tỉa. Ban ngày nóng bức nhưng chúng không dám cởi áo giáp, ban đêm lạnh giá không dám đốt lửa sưởi, lại thường bị tấn công nên quân số ngày càng hao hụt. Binh sĩ, dân phu khổ không sống nổi thắt cổ trên cây dọc đường, người chết chồng lên nhau. Đồ Thư cũng bỏ mạng trên đất Tây Âu. Sử ký Tư Mã Thiên ghi rõ: Quân Tần “đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái không xong. Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta phải thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết chồng nhau”.

Khu vực Hoằng Ngà, phường Sông Bằng (Thành phố).

Khu vực Hoằng Ngà, phường Sông Bằng (Thành phố).

Đến đầu sông Ung Giang ngược lên, quân Tần lại bị cư dân địa phương chặn đánh quyết liệt. Đến Tả Giang chỗ hợp lưu sông Bằng, sông Kỳ Cùng, quân Tần tiến thêm vô cùng khó khăn. Từ đây trở lên, lòng sông nông, lâu thuyền vận chuyển chậm. Dòng sông chảy giữa hai bờ vách núi đá dốc đứng. Các chiến binh nấp trên đó quẳng đá, phóng lao xuống khiến quân Tần dưới thuyền không kịp trở tay. Nhưng lâu thuyền của quân Tần vẫn đợi nước lớn để ngược dòng, song quân ta dưới sự chỉ huy của tướng Lý Bính ở Bắc Kạn, được Thục Phán cử lên Cao Bằng chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tần đã chặt hạ sẵn những khúc cây lớn buộc trên thượng nguồn, địa điểm tập trung những khúc gỗ là Hoằng Ngà (Vũng Hom, nay thuộc phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng), để đón đánh lâu thuyền đến chân thác Hát Gia, Hát Rảng (nay thuộc xã Chu Trinh) trên Sông Bằng, liền chặt đứt dây. Những khúc gỗ theo dòng nước chảy xiết lao nhanh như tên bắn phá vỡ lâu thuyền của giặc. Quân của ta phục kích hai bên bờ sông, đánh đắm nhiều thuyền giặc, tiêu diệt hơn 300 tên là một chiến thắng lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược tại Cao Bằng. (Những năm 1990, một số xuồng khai thác cát, làm vàng tại khu vực trên còn phát hiện nhiều mũi tên và mũi lao bằng đồng).

Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, tin Tần Thủy Hoàng chết, lập tức, nhiều cuộc khởi nghĩa bùng nổ chống lại nhà Tần dội đến, trước tình hình nghiêm trọng đó, lại bị thất bại nặng…, quân Tần vô cùng hoang mang, buộc phải bãi binh rút lui.

Ϲác tư liệu lịch sử cho thấу trong cuộc kháng chiến, tương quan lực lượng giữa người Việt với đội quân xâm lược của Tần Thủy Hoàng rất lớn, nhưng người Việt vẫn giành được chiến thắng nhờ vào chiến thuật quân sự tài tình, đúng đắn. Người Tây Âu đã thực hiện thành công chiến thuật “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” để giành chiến thắng. Đây chính là một đặc điểm quân sự nổi bật của cha ông ta trong cuộc kháng chiến đầu tiên chống quân phương Bắc xâm lược.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược đã thắt chặt quan hệ đoàn kết, gắn bó vốn có của người Tây Âu và người Lạc Việt. Qua cuộc chiến đấu chống quân Tần, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng lên cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong bộ lạc Lạc Việt. Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt - Tây Âu đã hình thành và uy tín ngày càng cao của Thục Phán, Thục Phán được Hùng Vương nhường ngôi, lập ra nước Âu Lạc là một trong những dấu ấn đậm nét trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử Việt Nam.

Hồng Viễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thuc-phan-an-duong-vuong-va-cuoc-khang-chien-chong-quan-tan-xam-luoc-3176912.html