Thực hư hình ảnh 'tên lửa Patriot' xuất hiện ở Trung Quốc

Hình ảnh một chiếc xe tải hạng nặng chở theo một thứ giống như hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ làm dấy lên nhiều đồn đoán.

Mới đây, một số tài khoản được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội X (Twitter) lan truyền một bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội và cho rằng đó là bệ phóng tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất mà Ukraine đã bán cho Trung Quốc. Trong khi đó, một chuyên gia nói với The War Zone (TWZ) rằng bức ảnh không ghi ngày tháng thực ra là một mô hình mô phỏng, có lẽ để binh sỹ tập trận hoặc dùng vào mục đích nghi binh (vật nghi trang).

Bức ảnh và các ký tự tiếng Trung

Bức ảnh ghi lại hình ảnh của thứ mà một số người cho rằng đó là bệ phóng Patriot ở phía sau một chiếc xe rơ- moóc đang di chuyển ở một địa điểm có vẻ là Trung Quốc. Bằng chứng là các bảng chỉ đường, biển số xe có ký tự tiếng Trung, một số người đi xe đạp điện, hình ảnh phổ biển ở quốc gia tỷ dân.

Điều này khiến các thuyết âm mưu được dịp lan truyền trên mạng xã hội. Có người cho rằng rất có thể đây là một hệ thống tên lửa phòng không Patriot thật, được Ukraine bán cho Trung Quốc. Có người lại nhận định Trung Quốc bằng cách nào đó đã có được hệ thống phòng không chủ lực của quân đội Mỹ. Cũng có người nhận định Ukraine đã đặt làm các mô hình này để sử dụng trên chiến trường, với mục đích nghi bình, gài bẫy quân đội Nga…

Bức ảnh về tên lửa Patriot gây đồn đoán. (Ảnh: TWZ/Twitter)

Bức ảnh về tên lửa Patriot gây đồn đoán. (Ảnh: TWZ/Twitter)

Tuy nhiên, một cựu chỉ huy Trường Pháo binh Phòng không Lục quân tại Fort Sill, Mỹ nói thứ xuất hiện trong bức ảnh là một mô hình mô phỏng.

Đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu David Shank nói: “Đó là những hộp chứa đạn tên lửa giả. Các dây cáp nối phía sau của bệ phóng cho thấy đó là bệ phóng huấn luyện hoặc mồi nhử. Hơn nữa, thứ này rất xanh, sạch. Các bệ phóng của Ukraine, giống như các quốc gia khác, bị bẩn khi xe phóng di chuyển trên đường sỏi đá hay đường đất”.

Ông Shank lưu ý rằng thân bệ phóng trong tấm ảnh được sơn chữ "inert". Khi một hệ thống vũ khí được sơn chữ "inert" (khử hoạt), có nghĩa là hệ thống đó không thể khai hỏa hoặc gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Ông Shank cho biết, hình ảnh cho thấy đó là mô hình hệ thống Patriot PAC-3, thể hiện rõ qua bốn hộp chứa đạn, mỗi hộp chứa bốn tên lửa đánh chặn.

Cần lưu ý mô hình mô phỏng (mock-up) và vật nghi trang, mồi bẫy (decoy) có các đặc điểm giống và khác nhau. Cả hai đều là những mô hình giả lập được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, nhưng có một số điểm khác biệt chính giữa hai loại này. Mô hình mô phỏng thường được sử dụng để thể hiện trực quan một thiết kế, ý tưởng hoặc sản phẩm trước khi hoàn thiện.

Trong khi đó, vật nghi trang hay mồi bẫy thường được sử dụng để đánh lừa đối phương trong các cuộc xung đột quân sự.

Các chuyên gia không chắc chắn rằng bức ảnh được chụp ở Trung Quốc, mặc dù điều này vẫn có thể xảy ra. Biển chỉ đường trong hình ảnh có chữ viết bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh.

Trung Quốc từng có thời gian áp dụng biển báo song ngữ, tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh từ năm 2023 đã bắt đầu cho dỡ bỏ biển báo có tiếng Anh. Đài Loan cũng sử dụng cả hai ngôn ngữ trên bảng chỉ đường, hơn nữa vùng lãnh thổ này còn vận hành PAC-3 Patriot.

Theo Defense Politics Asia (DPA), tổ chức tư vấn do cộng đồng tài trợ có trụ sở tại Singapore, các ký tự trên biển số của chiếc xe tải có vẻ là tiếng Trung Quốc, dựa trên sự kết hợp của một ký tự Trung Quốc, theo sau là các chữ cái và số bằng chữ Latin. “Vì vậy, bức ảnh này rất có thể được chụp ở Trung Quốc”, DPA kết luận.

Đại tá Shank nói ông không biết nguồn gốc của mô hình mô phỏng trong tấm ảnh. Ông cho biết thêm, quân đội Mỹ có hệ thống xe phóng vận chuyển Patriot (TEL) mô phỏng, được sử dụng để huấn luyện binh sỹ cách nạp đạn vào bệ phóng và vận hành TEL.

Nhóm theo dõi nguồn mở Oryx (Oryx Research) chuyên thu thập và phân tích dữ liệu về các thiệt hại quân sự trong xung đột Nga-Ukraine nói họ không có thông tin hay tài liệu nào về việc người Nga đã chiếm được bất kỳ bộ phận nào của hệ thống Patriot. Tuy nhiên, quân Nga đã phá hủy ít nhất hai bệ phóng M901 của hệ thống tên lửa đánh chặn MIM-104 Patriot, theo nhóm Oryx. Thiệt hại liên quan đến Patriot có thể cao hơn vì nhóm chỉ lập bảng kê các thiệt hại mà họ có thể xác nhận bằng hình ảnh.

Quân đội Ukraine bố trí một mô hình pháo phản lực HIMARS trên chiến trường. (Ảnh: Washington Post)

Quân đội Ukraine bố trí một mô hình pháo phản lực HIMARS trên chiến trường. (Ảnh: Washington Post)

Ukraine đặt mua “mô hình vũ khí”?

Các biện pháp dùng mồi bẫy đánh lừa kẻ thù cho đến nay đã được cả Nga lẫn Ukraine áp dụng. Một bài của TWZ hồi tháng 2/2024 thông tin về sự xuất hiện của những hình ảnh cho thấy mô hình mô phỏng các hệ thống phòng không trên mặt đất cực kỳ tinh xảo của Ukraine.

Vào thời điểm đó, các hình ảnh và video xuất hiện trên mạng xã hội về những hình nộm có độ chính xác “đáng kinh ngạc” được Ukraine sử dụng để mô phỏng hệ thống tên lửa đất đối không IRIS-T SLM do Đức cung cấp và hệ thống radar AN/MPQ-64 Sentinel do Mỹ sản xuất.

Các hệ thống khác, trong đó có hệ thống Patriot và máy bay cường kích Su-25, cũng đã được Ukraine mô phỏng dưới dạng mồi nhử.

Việc sử dụng mồi nhử để đánh lạc hướng kẻ thù và thu hút các loại đạn dược đắt đỏ đang gia tăng theo cấp số nhân trong những tháng gần đây. Mỹ cũng đang tìm cách chế tạo các mồi nhử tinh vi trong lúc quân đội Mỹ đối đầu với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Tấm ảnh về “hệ thống phòng không Patriot ở Trung Quốc” đã thu hút sự chú ý của người dùng mạng kèm theo những bình luận. Trên TWZ, tài khoản Full Frontal viết: “Bức ảnh chắc chắn được chụp ở Trung Quốc. Đuôi chiếc xe tải có dòng chữ và số 津F8238超, 津 (Hán Việt: Tân, nghĩa là bến nước) rất có thể ám chỉ đến 天津 là thành phố Thiên Tân hoặc đường cao tốc nối với thành phố này. Biển báo màu đỏ phía trước tên lửa có ký tự màu trắng ghi 徐州 hay “Từ Châu”, có thể thành phố này ở gần đó hoặc là đích đến của xe tải. Biển hiệu nhỏ ở dưới gầm xe tải quá nhỏ không đọc được nhưng chắc chắn chúng là những ký tự đơn giản chỉ được sử dụng ở Trung Quốc. Tương tự đối với biển màu đỏ có ký tự màu vàng ở giữa xe tải”.

Tài khoản orwecouldnot bình luận: “Đài Loan sử dụng biển báo chỉ đường màu xanh lá cây, Trung Quốc sử dụng biển báo chỉ đường màu xanh lam. Bảng chỉ đường trong hình ảnh có màu xanh lam. Vụ việc có lẽ đã rõ”.

“Tôi không nghĩ bức ảnh liên quan gì đến Ukraine. Trung Quốc có lịch sử chế tạo mô hình để sử dụng trong các cuộc tập trận, ví dụ mô hình máy bay F-117 và B-2. Chúng trông càng giống thật thì càng tốt”, tài khoản có tên Chayton Marshall viết.

Trúc Mai (Nguồn: TWZ, X, Oryxspioenkop)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thuc-hu-hinh-anh-ten-lua-patriot-xuat-hien-o-trung-quoc-ar871591.html