Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để thực hiện 'mục tiêu kép'

COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh.

Hàng hóa được tạo điều kiện thông quan nhanh tại cảng Cửa Việt. Ảnh: T.T

Thời gian thông quan hàng hóa kéo dài, chi phí đội lên nhiều hơn trước, đó là tình trạng khó khăn chung đối với các doanh nghiệp, cơ sở chuyên xuất khẩu hàng thủy sản đi nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc trong khi COVID - 19 đang diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp tư nhân Hs Chánh Phát, ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh là đơn vị chuyên xuất khẩu mặt hàng cá khô sang thị trường Trung Quốc. Giám đốc Phan Văn Kiệm cho biết, vào thời điểm này năm trước, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp của anh xuất khẩu từ 300- 400 tấn hàng đi Trung Quốc. Trước ảnh hưởng của COVID - 19, mặc dù sản lượng hàng nhập vào vẫn ổn định nhưng việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. “Trong tháng vừa qua, chúng tôi xuất đi khoảng 40 - 50 tấn cá cơm khô, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thời gian vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc kéo dài hơn, chi phí cao hơn, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”, anh Kiệm chia sẻ.

Thủy sản là một trong các mặt hàng chịu ảnh hưởng không nhỏ do COVID - 19. Ước tính trong toàn tỉnh, tổng sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 8.488 tấn, trong đó khai thác hơn 7.287 tấn, nuôi thủy sản 1.201 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID - 19, việc tiêu thụ các sản phẩm từ chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn, không xuất khẩu ra nước ngoài được, nhất là thị trường Trung Quốc. Giá cả các mặt hàng có biến động lớn như cá cơm, ruốc giá bán thấp hơn từ 5.000 đồng - 7.000 đồng/ kg, giá tôm thẻ chân trắng giảm 50 - 70 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ. Theo thống kê nhanh, trong thời gian tới, sản lượng tôm nuôi sẽ thu hoạch khoảng 625 tấn nhưng dự báo giá tôm có thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với các mặt hàng nông sản, hiện có hơn 10.000 tấn tinh bột sắn của Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa tồn kho, mặt hàng chuối quả không xuất được sang thị trường Trung Quốc. Để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp và tư thương phải tìm thị trường ở Thái Lan, Lào để tiêu thụ, tuy nhiên giá chuối giảm từ 1.500- 2.000 đồng/kg so với trước.

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề. Phần lớn các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong tuyển dụng và duy trì lao động, các đơn hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bị chậm, nhất là ngành may mặc thiếu nguyên vật liệu để sản xuất. Mặt khác, do phải thực hiện các công đoạn kiểm dịch tại các cửa khẩu, cảng nên thời gian vận tải, thông quan hàng hóa bị kéo dài dẫn đến doanh nghiệp bị đội chi phí. Dịch bệnh đang lan rộng trên thế giới, ảnh hưởng đến nhiều nước nên thị trường xuất khẩu có phần thu hẹp, các đơn hàng xuất khẩu giảm cả về số lượng, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng như dăm gỗ, viên nén… Tính đến ngày 12/3/2020, thu thuế xuất nhập khẩu đạt 69,6 tỉ đồng, giảm 56,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 2 không sôi động như những tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.347,69 tỉ đồng, tăng 7,16% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng tháng 2/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 15,28% so với tháng trước.

Dịch vụ cũng là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi COVID-19, đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách du lịch đến tỉnh tiếp tục giảm mạnh, các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển hoạt động cầm chừng. Theo báo cáo của các doanh nghiệp du lịch, từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh tại cơ sở lưu trú giảm từ 60% - 70%, lượng khách tới các điểm di tích lịch sử cách mạng của tỉnh giảm từ 75% - 85% so với cùng kỳ năm 2019.

Để tập trung thực hiện “mục tiêu kép” là vừa tích cực phòng chống COVID-19 có hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành và địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo, quyết liệt hành động, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với việc thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, ổn định tâm lý để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng cường kiểm soát tốt dịch bệnh, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trong thời gian tới. Đó là thực hiện giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do COVID-19, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu thông qua đề xuất và thực hiện các chính sách giảm thuế, giãn tiến độ nộp thuế, giảm tiền thuê đất, giãn tiến độ đóng tiền thuê đất, giãn tiến độ đóng bảo hiểm xã hội. Thực hiện kịp thời chủ trương, chính sách của Chính phủ về miễn, giảm, giãn tiền thuế đối với các trường hợp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giãn, hoãn tiến độ nộp tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đẩy nhanh tỉ lệ giải ngân cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi (thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực,…) để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản.

Đối với việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng cần tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm thông quan hàng hóa, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tại các tỉnh biên giới để cập nhật thông tin, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước lân cận. Đồng thời triển khai các giải pháp phát triển các ngành kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội để vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147497