Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các tỉnh biên giới Quảng Ninh (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc)

Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 27/2, Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh do ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, làm trưởng đoàn, đã có cuộc hội đàm với ông Lưu Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Quang cảnh buổi hội đàm Quảng Ninh (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc).

Trong khuôn khổ buổi hội đàm, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, đã trao đổi một số thông tin về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhất là giai đoạn hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển đột phá, “vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ - một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” với tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023).

Đặc biệt những năm gần đây, Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển đột phá và hoàn thiện hệ thống kết cấu giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể.

Nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai, cụ thể hóa sâu sắc hơn nữa các thỏa thuận, nhận thức chung cấp cao của lãnh đạo 2 Đảng, 2 Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc, nhất là 2 tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc; Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2026 về tiếp tục làm phong phú nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc giữa 4 tỉnh ủy: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh và ông Lưu Ninh - Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, thống nhất đề nghị thời gian tới, hai bên tiếp tục củng cố, tăng cường sự tin cậy ở cả tầm lãnh đạo cấp cao và tất cả các tầng lớp nhân dân của 2 tỉnh – khu;

Hai bên tiếp tục duy trì truyền thống tiếp xúc, giao lưu, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao 2 tỉnh – khu; tăng cường giao lưu hợp tác giữa tổ chức Đảng các địa phương biên giới; chú trọng hợp tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng dư luận, đẩy mạnh giao lưu báo chí; mở rộng mức độ tuyên truyền về tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước; tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân mật thiết toàn diện và sâu sắc.

Hai bên cam kết tiếp tục thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận liên quan; tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới, cửa khẩu; đẩy mạnh hợp tác trong phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống; hợp tác phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép… cùng chung tay xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, phồn vinh và cùng phát triển vì hạnh phúc nhân dân.

Tích cực thúc đẩy, phối hợp sớm tổ chức công bố và vận hành hiệu quả cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung (bao gồm lối thông quan Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa); tích cực báo cáo cấp có thẩm quyền hai nước cho phép xây dựng các công trình qua biên giới tại lối mở cầu phao tạm Km 3+4 Móng Cái - Đông Hưng để tiến tới sớm mở cửa khẩu song phương tại khu vực này;

Hai bên thống nhất không ngừng đi sâu hợp tác thực chất cùng có lợi; cùng nhau thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, du lịch, năng lực sản xuất và đầu tư, cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, trong đó hợp tác phát triển du lịch là trọng điểm, hợp tác phát triển giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mũi nhọn.

Phấn đấu xây dựng mô hình kiểu mẫu về hợp tác du lịch biên giới Việt Nam - Trung Quốc giữa Quảng Ninh và Quảng Tây; tăng cường kết nối các cảng hảng không, cảng biển, đường bộ cao tốc với các cặp cửa khẩu để thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu; khôi phục tuyến du lịch đường biển Phòng Thành - Hạ Long, Bắc Hải - Hạ Long; triển khai hiệu quả loại hình hoạt động xe du lịch tự lái qua biên giới; phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến, điểm du lịch kết nối đến các cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) sau khi hai bên chính thức công bố. Phối hợp triển khai các biện pháp tiện lợi hóa thông quan.

Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp hai bên đầu tư trong lĩnh vực logistics nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh tạo chuỗi thương mại logistics Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) kết nối Khâm Châu - Bắc Hải - Phòng Thành Cảng (Quảng Tây, Trung Quốc); đưa Quảng Ninh và Quảng Tây trở thành trung tâm trong hành lang vận tải kết nối ASEAN với Trung Quốc, góp phần thúc đẩy đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu giữa các địa phương hai nước.

Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Quảng Tây ký thỏa thuận hợp tác.

Ngay sau cuộc hội đàm song phương giữa 2 Bí thư Tỉnh ủy – Khu ủy, đã diễn ra lễ ký các thỏa thuận hợp tác giữa các ngành, địa phương của 2 tỉnh – khu, gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây; Thỏa thuận hợp tác về phát triển thương mại giữa Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh và Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; Thỏa thuận giữa Huyện ủy Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh và Khu ủy Phòng Thành, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây về thiết lập cơ chế giao lưu hữu nghị.

Trong hợp tác kinh tế, kim ngạch XNK với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây qua địa bàn Quảng Ninh trong giai đoạn 1989-2002 đạt 1.895 triệu USD, giai đoạn 2003-2012 đạt 24.283 triệu USD và giai đoạn 2013-2022 đạt 23.594 triệu USD (tăng 12,45 lần so với giai đoạn 1989-2002). Trong 3 năm (từ 2020 đến 2022), dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kim ngạch XNK giữa 2 tỉnh - khu vẫn duy trì ổn định, đạt 5.842 triệu USD (tăng 15% so với giai đoạn 2017-2019).

TP. Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) và Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) tổ chức giải chạy giao lưu hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Trung Quốc qua Cửa khẩu Bắc Luân.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 96 dự án của nhà đầu tư Trung Quốc, với số vốn đăng ký trên 6,7 tỷ USD (chiếm 47,44%), trong đó Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây có 3 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đăng ký các dự án đạt 20,2 triệu USD.

Giai đoạn 2015-2019, lượng khách Trung Quốc đến Quảng Ninh đạt 5.553.000 lượt, chiếm 30% lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam. Từ năm 2020 đến tháng 1/2024, khách Trung Quốc đến Quảng Ninh đạt trên 1,2 triệu lượt, chiếm 58,3% lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam.

Thế An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-day-quan-he-hop-tac-giua-cac-tinh-bien-gioi-quang-ninh-viet-nam-va-quang-tay-trung-quoc-145765.html