Thúc đẩy phát triển 'Làng số' và công dân số

Trên địa bàn tỉnh, chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển 'Làng số' và những công dân số. Điều này đã và đang tạo thuận lợi để các xã từng bước hoàn thành tiêu chí thôn thông minh, hướng tới mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Kết quả đạt được của các địa phương trong quá trình thực hiện mang lại nhiều tiện ích thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cẩm nang “Làng số” - Mang nền tảng số về làng

Ra mắt từ đầu năm 2024, tiếp sau cuốn cẩm nang CĐS, cẩm nang “Làng số” của Bộ Khoa học và Công nghệ (trước là Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp cho người dân những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng dụng công nghệ số vào đời sống, góp phần thúc đẩy CĐS ở cấp cơ sở, hướng đến xây dựng, phát triển xã hội số, kinh tế số. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, trong triển khai thực hiện CĐS, đến nay, 100% các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện phổ cập, nâng cao nhận thức về CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và người dân. Bên cạnh việc phát tin, bài trên hệ thống loa truyền thanh, tổ chức các hội nghị tuyên truyền về CĐS, các địa phương cũng đã nỗ lực đưa cẩm nang “Làng số” tới người dân, giúp người dân hiểu, biết cách ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống.

Cẩm nang “Làng số” giới thiệu khoảng 30 nền tảng số và hơn 50 câu chuyện gắn với hàng trăm tấm gương điển hình giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, tiện ích, thụ hưởng thành quả do công nghệ số mang lại. Anh Trần Quang Trung (xã La Sơn, Bình Lục) cho hay: Thông qua tổ công nghệ số cộng đồng của thôn, tôi đã biết đến cẩm nang “Làng số” với những câu chuyện, tấm gương điển hình trong đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào đời sống. Đặc biệt trong đó có những câu chuyện hướng dẫn nông dân trồng rau, dạy nông dân sử dụng nền tảng trực tuyến để quảng bá, bán hàng, trao đổi các mặt hàng nông sản, sản phẩm địa phương mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống. Những câu chuyện trong đó giúp tôi thấy được vai trò to lớn mà công nghệ số mang lại, từ đó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, công việc sản xuất, kinh doanh của bản thân.

Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Đông, xã Hoàng Tây (Kim Bảng) hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng công nghệ số trên điện thoại thông minh.

Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Đông, xã Hoàng Tây (Kim Bảng) hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng công nghệ số trên điện thoại thông minh.

Thực tế cho thấy, bằng những câu chuyện về làm nông nghiệp công nghệ cao; quảng bá, bán hàng đa kênh qua các nền tảng trực tuyến; cách sử dụng các dịch vụ số; truy xuất nguồn gốc nông sản; khám, chữa bệnh từ xa…, cẩm nang “Làng số” đã cung cấp kiến thức một cách toàn diện, dễ hiểu, giúp người dân từ nông thôn đến thành thị từng bước thay đổi tư duy, nhận thức trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó áp dụng những thành tựu công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ cẩm nang “Làng số”, các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng các cấp cũng giảm được nhiều thời gian, công sức trong công tác tuyên truyền về CĐS, hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng công nghệ số. Thay vì đến từng nhà để hướng dẫn từng người như trước đây, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng chỉ cần vài phút để tải và hướng dẫn người dân sử dụng cẩm nang “Làng số” trên các nhóm zalo của thôn, tổ dân phố.

Tạo tiền đề trong xây dựng thôn thông minh

Hà Nam là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện CĐS với nhiều kết quả ấn tượng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Theo thống kê, tỉnh Hà Nam hiện có trên 15.000 giao dịch trên các sàn thương mại điện tử với khoảng 93.000 tài khoản hoạt động. Toàn tỉnh có khoảng 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt… Việc từng bước hình thành “Làng số” với các công dân số tạo tiền đề quan trọng để các xã xây dựng mô hình thôn thông minh - một trong những tiêu chí khó đạt nhất của Bộ Tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Đơn cử như xã Hoàng Tây (Kim Bảng), đầu năm 2024, khi triển khai thực hiện mô hình thôn thông minh tại thôn Đông, mọi công việc hằng ngày của trưởng thôn Nguyễn Văn Vũ đã phải thay đổi. Nếu như trước đây, mỗi khi cần triển khai các hoạt động của thôn, anh Vũ phải đến từng gia đình hay thông báo trên loa phát thanh để mời các hộ dân họp thôn; đồng thời phải thường xuyên đến nhà văn hóa thôn để xử lý công việc, thì nay, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, dù ở bất cứ đâu, anh Vũ cũng điều hành được mọi việc. Đó chính là kết quả của đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng thôn thông minh.

Được biết, trước khi xây dựng thôn thông minh, thôn Đông đã bước đầu hình thành “Làng số” với những công dân am hiểu về công nghệ thông tin. Thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, người dân đã biết đến cẩm nang “Làng số” và được hỗ trợ cài đặt, sử dụng các ứng dụng để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đăng ký mã định danh điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trên thiết bị điện thoại thông minh… Hiện nay, thôn cũng đã thành lập, duy trì hoạt động của 3 nhóm zalo gồm nhóm chi bộ thôn, nhóm Ban công tác mặt trận thôn và nhóm người dân thôn Đông. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trao đổi các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội của thôn. Đây cũng là kênh tiếp nhận phản ánh của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn thôn, từ đó báo cáo UBND để thống nhất biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Anh Nguyễn Văn Vũ, Trưởng thôn Đông cho biết: Đến nay, mô hình thôn thông minh đã thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi rõ rệt diện mạo làng quê theo hướng hiện đại, văn minh, năng động. Hiện, gần 100% cơ sở dịch vụ trên địa bàn có mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt. Nhà văn hóa thôn được trang bị trạm phát wifi để phục vụ người dân truy cập internet miễn phí. 100% hộ gia đình trong thôn được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng mạng internet cáp quang đạt 85%; số hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 92,5%. Người dân đã quen với việc quét mã QR code để tra cứu thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa và trả kết quả; tra cứu thông tin sản phẩm khi mua sắm.

Cũng như thôn Đông, việc đẩy mạnh CĐS đã từng bước hình thành “Làng số” và những công dân số tại các thôn, xóm. Điều này tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho các thôn trong quá trình xây dựng mô hình thôn thông minh để đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, giúp diện mạo nông thôn thay đổi tích cực. Sự phát triển của CĐS với các mô hình đang tạo ra cơ hội để người dân nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ số, hòa nhập vào xã hội số, nắm bắt thông tin và xử lý công việc kịp thời, hiệu quả.

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/thuc-day-phat-trien-lang-so-va-cong-dan-so-165301.html