Thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn bền vững tại TP.HCM
TP.HCM đang từng bước chuyển mình, biến những vùng quê yên bình trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn. Với việc tập trung phát triển du lịch nông thôn, thành phố không chỉ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo mà còn góp phần nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Du lịch nông thôn đang được xem là hướng phát triển bền vững giúp khai thác hiệu quả các giá trị đặc trưng của vùng nông thôn Việt Nam. Loại hình du lịch này gồm các hoạt động diễn ra tại khu vực nông thôn, gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống và các sản phẩm làng nghề đặc trưng, đồng thời thúc đẩy kinh tế và tạo việc làm cho cộng đồng địa phương.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch nông thôn hiện bao gồm ba loại hình chính: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái tạo ra các trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và văn hóa bản địa, mang tính giáo dục môi trường, đồng thời hỗ trợ bảo tồn tài nguyên.
Du lịch canh nông khai thác tiềm năng từ các trang trại ứng dụng công nghệ cao, cho phép du khách trải nghiệm nông nghiệp tại chỗ. Trong khi đó, du lịch cộng đồng dựa trên văn hóa địa phương, được người dân tự tổ chức và hưởng lợi, giúp duy trì tài nguyên bản địa và tăng cường phát triển kinh tế.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, đến năm 2030, khách tham quan du lịch nông thôn và sinh thái có thể chiếm tới 10% thị phần toàn cầu, với doanh thu dự kiến 30 tỷ USD.
Ở Việt Nam, du lịch nông thôn cũng được ưu tiên trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn Mới giai đoạn 2021-2025, với khoảng 488 điểm du lịch, 80% trong số đó nằm ở nông thôn, cùng với hơn 40.000 cơ sở homestay, tạo ra cơ hội kép trong việc quảng bá sản phẩm địa phương và phát triển kinh tế cộng đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định mục tiêu chiến lược của du lịch nông thôn là tích hợp đa giá trị, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, phát triển dựa trên lợi thế nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và sinh thái đặc thù của các vùng miền (Quyết định 922/QĐ-TTg).
Đồng thời, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 cũng nhấn mạnh du lịch nông thôn là một động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
TP.HCM phát triển du lịch nông thôn, định hướng bền vững và sáng tạo
Trong bối cảnh du lịch ngày càng trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế, TP.HCM đã bắt đầu triển khai các chính sách phát triển du lịch nông nghiệp đô thị đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng mô hình du lịch bền vững. Các loại hình du lịch chủ yếu bao gồm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề, nhằm khai thác tiềm năng du lịch nông thôn gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống của địa phương.
Theo bà Bùi Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, du lịch nông thôn tại thành phố đang phát triển mạnh mẽ, với các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch sinh thái và nông nghiệp. Bà Hiếu chia sẻ: "Du lịch sinh thái, nông nghiệp không chỉ làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mà còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM. Tài nguyên du lịch nông nghiệp thành phố rất phong phú, đặc biệt là trong các vùng ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Bình Chánh, nơi có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp và sinh thái."
Những mô hình này bao gồm các trải nghiệm như tham quan vườn trái cây, các farm nông nghiệp và các điểm du lịch sinh thái trong không gian làng xã yên bình. Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, nơi gắn kết giữa giá trị cộng đồng và nghề làm muối, đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ du khách trong và ngoài nước.
"Đây là một ví dụ điển hình về du lịch cộng đồng kết hợp với sinh thái, giúp người dân địa phương vừa giữ gìn nghề truyền thống, vừa tạo ra nguồn thu nhập ổn định từ du lịch," bà Hiếu nói thêm.
Cũng theo bà Hiếu, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Sở Du lịch TP.HCM là phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững. "Chúng tôi không chỉ tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch, mà còn đặc biệt chú trọng đến sự bền vững của hệ sinh thái du lịch nông nghiệp," bà nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu này, Sở Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc xây dựng quy hoạch tổng thể cho du lịch thành phố, từ việc khảo sát tài nguyên du lịch đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng. Các kế hoạch này không chỉ dừng lại ở việc phát triển hạ tầng mà còn hướng đến việc quảng bá sâu rộng các điểm du lịch qua các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Bà Hiếu chia sẻ thêm: "Để nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch nông thôn, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương để phát triển các sản phẩm OCOP, giúp các sản phẩm này tiếp cận được nhiều du khách hơn, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cho cộng đồng." Các sản phẩm làng nghề kết hợp với du lịch cộng đồng đã và đang trở thành điểm sáng cho du lịch nông thôn TP.HCM.
Thành phố cũng đang chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch nông thôn, với mục tiêu 70% chủ cơ sở và 80% lao động trong ngành du lịch nông thôn được bồi dưỡng nghiệp vụ. "Việc đào tạo nhân lực có chất lượng không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương, giúp họ cải thiện thu nhập và tham gia tích cực vào hoạt động du lịch," bà Hiếu nói.
Những nỗ lực này không chỉ giúp phát triển du lịch bền vững mà còn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Sở Du lịch TP.HCM đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 3755/QĐ-UBND, định hướng phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2023-2025, với các mục tiêu cụ thể như đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề và sinh thái. Đồng thời, chương trình cũng tập trung vào việc xây dựng thương hiệu du lịch TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc biệt đối với du khách quốc tế và giới trẻ yêu thích khám phá thiên nhiên.
"Việc kết nối nông nghiệp và du lịch không chỉ giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, mà còn mang lại cho du khách những trải nghiệm chân thực về đời sống cộng đồng địa phương," bà Hiếu khẳng định. Cùng với các chiến lược phát triển du lịch nông thôn, TP.HCM đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến du lịch bền vững và hấp dẫn, mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho các địa phương.