Thừa Thiên-Huế chỉ ra 'điểm nghẽn' lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh.
Hôm nay 10/12, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VIII đã khai mạc kỳ họp thường lệ lần thứ 9 để xem xét, quyết định thông qua các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Tại kỳ họp, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có tờ trình báo cáo HĐND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và đề nghị thông qua phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 6.957,879 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân đến thời điểm báo cáo là 4.473,336 tỷ đồng, đạt 64,3% so với kế hoạch và đạt 71,3% số vốn thông báo giải ngân, hiện cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn quốc (là 52,46%), xếp thứ 20/63 tỉnh thành (theo số liệu công khai giải ngân 10 tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
So với cùng kỳ năm 2023, kết quả giải ngân năm 2024 của tỉnh hiện cao hơn về tỷ lệ (năm 2023 là 61,4%) và cao hơn về giá trị tuyệt đối (năm 2023 là 3.639,464 tỷ đồng).
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, vướng mắc trong công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, thời gian bàn giao mặt bằng chậm vẫn là điểm nghẽn lớn nhất trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2024, Thừa Thiên-Huế tiếp tục thực hiện nhiều dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, đặc biệt là các dự án triển khai trên địa bàn thành phố Huế như các dự án ODA thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và chỉnh trang đô thị; các dự án hạ tầng giao thông như Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, Đường Vành đai 3...
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai ở nhiều địa phương các năm qua còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, dẫn đến sự đồng thuận của người dân với phương án bồi thường, tái định cư chưa cao; dẫn đến, một số dự án triển khai trên một số địa bàn phải tạm dừng thi công trong nhiều năm do chưa được bàn giao mặt bằng.
Một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế cho phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, việc hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư liên quan về quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy, di tích cũng ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư của nhiều dự án, đặc biệt đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, các dự án dân dụng như y tế, an sinh xã hội, các dự án trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia.
Việc đăng ký bố trí vốn của một số chủ đầu tư chưa phù hợp với khả năng và tiến độ triển khai thực tế dẫn đến việc nhiều chủ đầu tư phải đề xuất điều chỉnh 5 giảm kế hoạch vốn sau khi đã được giao vốn triển khai.
Các tháng cuối năm ở miền Trung thường là mùa mưa bão, ảnh hưởng đến công tác thi công trên thực địa của nhiều dự án, đặc biệt là các dự án nông nghiệp, giao thông, thi công trên địa hình thấp trũng, hạ tầng thoát nước chưa được hoàn thiện, thường xuyên ngập lụt cục bộ đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.
Không chỉ vậy, năng lực của một số nhà thầu tư vấn thiết kế không tương xứng với hồ sơ dự thầu dẫn đến thời gian lập dự án đầu tư, lập thiết kế thi công còn chậm, làm kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư và tiến độ giải ngân của các dự án khởi công mới.
Năng lực của một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế, còn thụ động trong việc đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; công tác phối hợp với các sở, ngành và các bên liên quan vẫn còn thiếu tính chủ động; việc xử lý các nhà thầu vi phạm vẫn còn chưa kiên quyết và kịp thời.
Các dự án vay ưu đãi ODA khi cần thực hiện điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, phạm vi dự án, thiết kế chi tiết các hạng mục xây lắp...); gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay phải tuân theo quy định của Nhà tài trợ, các Nghị định liên quan đến vay vốn, sửa đổi Hiệp định vay vốn của Chính phủ. Quy trình sửa đổi Hiệp định vay đối với các dự án cụ thể trải qua nhiều khâu, báo cáo nhiều cơ quan… nên đã kéo dài thời gian giải ngân.
Thêm một hạn chế được nêu là công tác báo cáo, giám sát, đánh giá đầu tư công vẫn chưa được các chủ đầu tư và địa phương quan tâm đúng mức; chưa gửi báo cáo định kỳ theo quy định hoặc có gửi nhưng chậm so với quy định, nội dung báo cáo chưa đầy đủ, đã gây khó khăn trong việc chỉ đạo, điều hành và quản lý đầu tư công.
Công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án trùng tu công trình di tích thường kéo dài, đặc biệt là các di tích lịch sử cấp quốc gia, phải tiến hành nhiều bước từ khảo cổ, lấy ý kiến chuyên gia, thu thập tư liệu và thẩm định thiết kế tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Luật Di sản văn hóa.
Kỳ họp lần thứ 9 HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VIII dự kiến diễn ra trong thời gian 02 ngày từ ngày 10/12 đến ngày 11/12. Kỳ họp sẽ thông qua 30 dự thảo nghị quyết thuộc các nhóm vấn đề về đất đai, tài chính, ngân sách, kế hoạch đầu tư công 2025 và các vấn đề liên quan đến biên chế, số lượng người trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập...