Thừa cơ nhặt ví, ĐTDĐ của người bị tai nạn rồi ra yêu sách mới cho chuộc

Gã trai tham lam đề nghị nạn nhân phải đi một mình và không được báo công an mới dẫn đến nơi chuộc lại ví, ĐTDĐ.

"Nhặt được của rơi, trả người đánh mất" là hành động nhân văn được dạy qua môn Giáo dục công dân ở trường. Thời gian gần đây có khá nhiều học sinh nhặt được số tiền lớn (vài triệu đến vài chục triệu đồng) nhưng vẫn đưa đến trụ sở công an để trả lại cho người đánh mất. Nam thanh niên sống ở Bình Dường có lẽ phải xấu hổ khi biết chuyện này.

Nhân lúc người khác bị tai nạn giao thông, anh chàng đã nhặt ví và ĐTDĐ của nạn nhân rồi đút túi.

Khi người này (tên D) ngỏ ý muốn chuộc lại ví và ĐTDĐ, thanh niên kia hẹn gặp ở khu vực ngã 6 An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương nhưng đề nghị chỉ được đi một mình rồi sẽ dẫn đến nơi lấy lại.

Vì biết hành vi của mình phạm pháp, thanh niên này tuyên bố: “Em mà đi hai người thì anh bó tay và dẫn theo công an thì khỏi, bỏ luôn đi”.

Khi D nhắn: “Thì anh trả cho em đi. Anh gửi nơi quán nào đó rồi gửi địa chỉ em qua lấy. Không thì em báo công an” thì thanh niên kia thách thức: “Báo đi. Tao *éo trả gì hết”.

Nam thanh niên ra yêu sách mới cho nạn nhân chuộc lại ĐTDĐ và ví.

Nam thanh niên ra yêu sách mới cho nạn nhân chuộc lại ĐTDĐ và ví.

Vì bức xúc nên anh trai D đăng status tố cáo gã trai kia lên nhóm nhiều thành viên: “Thằng em mình bị tai nạn. Thanh niên này thừa cơ lấy hết ví, điện thoại, giờ còn đòi nó đi một mình đến để chuộc lại ở Khu vực ngã 6 An Phú - Thuận An - Bình Dương. Ai biết số điện thoại này hoặc giúp mình tìm được lại thì mình xin cám ơn và hậu tạ”.

Nhiều dân mạng nhắn tin, gọi vào số điện thoại của hắn chửi bới và đề nghị trả lại tài sản cho D.

Theo một số dân mạng, anh chàng này phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản người khác theo quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tội chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Trong đó, người nhặt tài sản buộc phải biết tài sản đó không phải của mình mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm và bán cho người khác là đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Người chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng; hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Nhân Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-mang-c-85/thua-co-nhat-vi-dtdd-cua-nguoi-bi-tai-nan-roi-ra-yeu-sach-moi-cho-chuoc-128168.html