Thủ tướng: Ngày 7/5 sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ
Thủ tướng cho biết, đã và đang chỉ đạo sát sao đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Mỹ với tinh thần 'lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ'.
Tại phiên họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 5/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2025.
2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng đã được gỡ vướng
Theo Thủ tướng, năm 2024, kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP đạt 7,09% - cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới; nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới.
GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; Thu NSNN đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán, vượt 342.700 tỷ đồng; trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 197.300 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 25,4 tỷ USD (tăng 2,4 tỷ USD so với số đã báo cáo). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, lên hạng 44/133. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc, xếp hạng 32 thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).
Bước sang năm 2025, Thủ tướng nêu rõ ngay từ đầu năm tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường.
"Trước việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực; Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, đã và đang chỉ đạo sát sao đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Mỹ với tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ".
"Ngày 7/5 sẽ tiến hành phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ", Thủ tướng thông tin thêm.
Về kinh tế, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93% - cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số.
Thu NSNN 4 tháng đạt trên 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025 cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Lễ diễu binh, diễu hành và nhiều sự kiện cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam đã khẳng định lịch sử hào hùng của dân tộc, hun đúc mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tri ân sâu sắc các thế hệ cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, ý nghĩa như Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương…; tổ chức rất thành công Lễ diễu binh, diễu hành và nhiều sự kiện cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khẳng định lịch sử hào hùng của dân tộc, hun đúc mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tri ân sâu sắc các thế hệ cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về xây dựng thể chế, Thủ tướng cho biết tại Kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội số lượng luật, nghị quyết lớn nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp (44 dự án luật, nghị quyết).
Đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ); đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thủ tướng cho biết, công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
"Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347.000ha", Thủ tướng cho hay.
Phấn đấu GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD
Về hạn chế, bất cập cần được xử lý quyết liệt, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỉ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp.
Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm và vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn diễn biến phức tạp. Ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông… tại các thành phố lớn chậm được giải quyết.

Toàn cảnh phiên họp sáng 5/5 (Ảnh: Media Quốc hội).
Theo Thủ tướng, nguyên nhân của hạn chế, bất cập bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chủ yếu là do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành.
"Những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế kéo dài từ lâu bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, sâu sát, còn vô cảm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm", Thủ tướng chỉ ra.
Nêu ra giải pháp, Thủ tướng cho rằng dù tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Song, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó chú trọng 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong "bộ tứ chiến lược". Gồm những nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng: Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Nghị quyết số 18); Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57); Hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết số 59); Phát triển khu vực kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68).
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Trong đó, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ; phấn đấu tăng thu NSNN trên 15%. Điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.
Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; bảo đảm thực hiện thông suốt, liên tục các thủ tục hành chính trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển các thị trường bất động sản, thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, bền vững; phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
Phấn đấu năm 2025 hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào; phấn đấu tăng trưởng điện năng toàn hệ thống khoảng 12,5-13%...