Thủ tướng: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới mục tiêu miễn viện phí

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong năm 2025, phải cơ bản xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội. Thành lập 'Quỹ nhà ở xã hội quốc gia' để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 5/5, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước một số nội dung chủ yếu về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024 và tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những quyết sách mang tính lịch sử của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, tạo tiền đề đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Quốc hội đồng tình, Chính phủ đã thống nhất, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp với nỗ lực vượt bậc, "biến nguy thành cơ”, "chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế”.

Các nhận định, kết quả năm 2024 đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước cơ bản phù hợp và có nhiều chỉ tiêu đạt tốt hơn; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Thủ tướng khẳng định, năm 2024, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi, nợ công được kiểm soát tốt. Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo Quốc hội là 6,8 - 7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới; nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỷ USD, tăng 03 bậc, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới.

"GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD, tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Thu NSNN đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 20,1% so với dự toán, vượt 342,7 nghìn tỷ đồng; trong khi đã miễn, giảm, gia hạn 197,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Về an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân được bảo đảm với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đời sống người dân được nâng lên; tập trung khắc phục hiệu quả bão Yagi; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong năm 2024 đã hỗ trợ xóa trên 76.000 nhà tạm, nhà dột nát. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là giữ được "trong ấm, ngoài êm”, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao; tạo đà cải cách, tạo lực phát triển, tạo khí thế sôi động và tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, đầm ấm, nghĩa tình, mọi người, mọi nhà đều có Tết. Tổ chức chi trả sớm lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2025. Đang tích cực triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi để cho vay tiêu dùng, mua nhà ở xã hội đối với người trẻ tuổi, người nghèo, người thu nhập thấp .

Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát được lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước với phương châm "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; kết nối cung - cầu lao động được tăng cường; thu nhập của người lao động tăng lên. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học cơ bản, chip bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt. Giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới; mở rộng triển khai học bạ số, tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm và đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục được chú trọng đầu tư; ứng phó và ngăn ngừa hiệu quả, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử được thúc đẩy triển khai mạnh mẽ. Cơ bản bảo đảm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; làm chủ và triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến.

Năm 2025 sẽ lập "Quỹ nhà ở xã hội quốc gia”, nhà cho người trẻ đô thị

Về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng; thương mại, đầu tư quốc tế suy giảm; các tổ chức uy tín đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Có thể nói tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở; không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chuyển từ công tác khám, chữa bệnh sang chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho tất cả người dân.

Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các dịch bệnh truyền nhiễm. Đẩy mạnh triển khai sổ sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử trên phạm vi cả nước trước tháng 9/2025. Khẩn trương hoàn thành xây dựng, đưa bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động trong năm 2025. Xây dựng chính sách thích ứng kịp thời với già hóa dân số và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng.

Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tập trung số hóa toàn diện và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý nhà nước.

Đẩy mạnh triển khai Đề án 06, các phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” và "Bình dân học vụ số”. Đẩy nhanh việc tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu; mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng cá nhân hóa. Trong năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu; ban hành chính sách thí điểm thị trường tài sản mã hóa trong tháng 5/2025.

Phát triển văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp giải trí. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Tập trung chuẩn bị lực lượng cho đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games lần thứ 33. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm công khai, minh bạch. Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển mạnh thị trường lao động.

Đặc biệt, trong năm 2025, phải cơ bản xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội. Thành lập "Quỹ nhà ở xã hội quốc gia” để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ.

Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bình đẳng giới; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh dự báo, kịp thời ứng phó thiên tai, mưa bão. Xây dựng khung chính sách quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về đất hiếm.

Sớm triển khai các biện pháp phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết”, giảm ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

(Theo VOV)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/349770/thu-tuong-nang-cao-chat-luong-dich-vu-y-te-huong-toi-muc-tieu-mien-vien-phi.aspx