Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 42
Sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, diễn ra từ ngày 9-11/5, tại Labuan Bajo, Indonesia, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.
Theo VGP, đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11/5, tại Labuan Bajo, Indonesia, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần đầu tiên với tư cách quan sát viên.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sản xuất, thương mại, đầu tư thấp; lĩnh vực tài chính, tiền tệ tiềm ẩn nhiều bất an; quá trình tái cơ cấu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng... tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia đặt ở vị trí ưu tiên.
ASEAN đang nỗ lực hoàn tất Kế hoạch Tổng thể 2025 trên cả 3 trụ cột và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Quan hệ giữa ASEAN với các đối tác được tăng cường thời gian qua. Trong tiến trình đó, Việt Nam đã chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng các nước thành viên duy trì và đề cao cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong các vấn đề khu vực và quốc tế, củng cố vai trò trung tâm, phát huy trách nhiệm, tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển.
Nội dung chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN 42
Theo TTXVN, các cuộc họp của Hội nghị Cấp cao ASEAN 2023 sẽ được tổ chức theo hình thức toàn thể và các cuộc họp hẹp. Với thể thức đa dạng, các vấn đề quan trọng trong ASEAN sẽ được thảo luận kỹ lưỡng, hiệu quả và thiết thực.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ chủ trì 7/8 cuộc họp, bao gồm: Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo ASEAN với Quốc hội, thanh niên, doanh nghiệp và nhóm đặc trách cấp cao sẽ chuẩn bị tầm nhìn ASEAN 2045.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia sẽ chủ trì 2 cuộc họp khác gồm Hội nghị Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Tam giác tăng trưởng Indonesia-Malaysia-Thái Lan và Hội nghị Hợp tác khu vực tăng trưởng Đông ASEAN Brunei - Indonesia-Malaysia-Philippines.
Các phiên họp của Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 sẽ tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tập trung vào chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra các phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm Đặc trách Cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Dự kiến Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 sẽ xem xét, thông qua nhiều văn kiện quan trọng về các lĩnh vực hợp tác trên cả 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội.
Trên tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo, Đoàn Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng nước Chủ tịch Indonesia và các nước ASEAN đóng góp vào thành công chung của Hội nghị.
Tại Hội nghị, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có các bài phát biểu quan trọng, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các ưu tiên của ASEAN, đưa ra các đề xuất củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác và trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nước để thúc đẩy hợp tác song phương cũng như trao đổi các vấn đề cùng quan tâm tại các Hội nghị.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu, phát triển dần thành một tổ chức khu vực hợp tác toàn diện, chặt chẽ với 10 thành viên và trở thành "mái nhà chung" của 10 quốc gia Đông Nam Á.
Chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới, ngày 31/12/2015, ASEAN chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN nhằm xây dựng một Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.
Trong giai đoạn thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, ASEAN tập trung triển khai các kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột gồm Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, đồng thời tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực đoàn kết, thống nhất, vững mạnh và năng động, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế, tiến trình hợp tác ở khu vực, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.