Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 571 ha; vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện Dự án và Đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Dự án).
Mục tiêu của Dự án là xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định các sản phẩm và dịch vụ cụ thể để đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.
Đây là dự án do liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn – Terminal Investment Limited Holding S.A đề xuất.
Dự án được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 571 ha.
Vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện dự án và Đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo cơ quan chuyên môn xác định cụ thể tổng vốn đầu tư của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư để ghi nhận trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.
Dự án được hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý chỉ được thực hiện sau khi Dự án đã phù hợp với quy hoạch các cấp và được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan; hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong thời gian 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc thay đổi nhà đầu tư sau thời gian này thực hiện theo quy định của pháp luật và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trong trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh trong quá trình thực hiện Dự án và trong trường hợp chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức thực hiện Dự án.
Trong quá trình khảo sát, thi công và quá trình hoạt động mà phát hiện các di vật, cổ vật phải báo ngay cho ngành văn hóa và chính quyền địa phương được biết để có phương án xử lý theo quy định.
Theo đề xuất của liên danh Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn – Terminal Investment Limited Holding S.A, Dự án có tổng vốn đầu tư 113.531,7 tỷ đồng; tiến độ thực hiện 22 năm theo 7 giai đoạn, trong đó đầu tư xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành vào năm 2045.
Với sự hình thành cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam và sự tham gia của các đơn vị vận hành cảng hàng đầu thế giới, dự án hứa hẹn biến vùng Đông Nam Bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số 1 Đông Nam Á, thúc đẩy kinh tế toàn vùng Đông Nam Bộ, góp phần thúc đẩy chiến lược biển quốc gia, đồng thời khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Dự án sẽ định vị Việt Nam trên bản đồ hàng hải với vai trò là các trung tâm trung chuyển quốc tế khổng lồ giúp thu hút các đơn vị vận tải, logistics lớn của thế giới.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế đối ngoại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ đắc lực hoạt động thương mại xuất nhập khẩu và giảm thiểu các chi phí trung gian.
Khi đi vào hoạt động, dự kiến dự án sẽ mang lại nguồn thu ngân sách từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng hơn 6.000 - 8.000 nhân công vận hành khai thác và tạo hàng chục ngàn lao động trong quá trình xây dựng dự án và nhân công phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.
Với vị trí chiến lược, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không chỉ rút ngắn quá trình vận chuyển và giảm mạnh chi phí logistics của hàng hóa nội địa mà còn mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.