Thử thách đối với Eurozone

Hoạt động sản xuất trong tháng 6 của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã suy giảm nhanh hơn dự báo khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) duy trì chính sách siết chặt tiền tệ.

Phản ứng tiêu cực với lãi suất

Kết quả khảo sát vừa công bố cho thấy các hoạt động sản xuất ở cả 4 nền kinh tế lớn nhất Eurozone đều suy giảm trong tháng 6. Cụ thể, Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực Eurozone, do Ngân hàng HCOB (Đức) phối hợp với S&P Global tổng hợp, giảm xuống mức 43,4 điểm trong tháng 6 so với mức 44,8 điểm trong tháng 5. Đây là mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thấp hơn mức 43,6 điểm ước tính sơ bộ trước đó và cũng thấp hơn nhiều so với ngưỡng 50 điểm để được công nhận là tăng trưởng. Chỉ số sản lượng cũng giảm xuống mức 44,2 điểm - mức thấp nhất trong 8 tháng.

Nhằm đưa lạm phát đang ở mức cao ngất xuống mức mục tiêu là 2%, ECB đã tăng lãi suất tổng cộng là 400 điểm cơ bản qua các đợt tăng khác nhau và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 25 điểm cơ bản trong tháng này. Điều này được cho là làm giảm sức mua của khách tiêu dùng và các doanh nghiệp vay nợ nhiều.

Nhu cầu đã suy yếu với tốc độ nhanh nhất trong 8 tháng qua dù giá cả hàng hóa thành phẩm đã hạ nhiệt. Chỉ số việc làm của Eurozone cũng giảm xuống còn 49,8 từ mức 51,5 của tháng trước đó. Chỉ số này là một phần trong chỉ số PMI tổng hợp sẽ được công bố hôm nay (5-7) - vốn được coi là thước đo quan trọng phản ánh sức khỏe nền kinh tế. Nhà kinh tế trưởng của HCOB, Cyrus de la Rubia, cho rằng, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực công nghiệp rất cần vốn đang có phản ứng tiêu cực với quyết định tăng lãi suất của ECB.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Những chỉ số mới nhất của châu Âu nhìn chung không ổn định, với việc công bố sản xuất của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - có lẽ là vấn đề đáng lo ngại nhất. Chỉ số PMI ở mức 40,6 điểm - mức thấp nhất trong 3 năm, các công ty báo cáo cắt giảm sản xuất sâu hơn khi nhu cầu tiếp tục giảm. Lạm phát của Đức đã tăng trở lại trong tháng 6 sau nhiều tháng giảm tốc, đặc biệt tại 5 bang kinh tế quan trọng của Đức gồm Nordrhein Westfalen, Bayern, Brandenburg, Hessen và Baden-Wuerttemberg. Tỷ lệ lạm phát của Đức đã tăng từ mức 6,1% trong tháng 5 lên 6,4% trong tháng 6, cao hơn dự báo mà giới phân tích đưa ra là 6,3%.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu phải đối mặt với lãi suất vẫn cao hơn khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đang vật lộn để kiểm soát lạm phát. Cuối tháng trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, ngân hàng sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 7 này “trừ khi có thay đổi quan trọng về triển vọng”. Vì vậy, các nhà sản xuất châu Âu có thể sẽ có nhiều tin xấu hơn khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu hơn nữa.

Theo giới phân tích, nếu ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất và lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến, đó có thể coi là thành công. Nhưng nếu lạm phát vượt quá dự báo và ngân hàng buộc phải tăng tốc độ tăng lãi suất như Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã làm để khống chế lạm phát, ECB sẽ bị cho là thất bại. Điều này chứng tỏ tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ECB phải đối mặt về cách kiềm chế lạm phát.

HẠNH CHI tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-thach-doi-voi-eurozone-post696145.html