Thủ phạm gây viêm tụy mạn là rượu bia
Nghiện rượu được coi là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy mạn (chiếm tới khoảng 90% các trường hợp).
Rượu gây kết tủa và làm tăng độ nhớt của dịch tiết tuyến tụy, dẫn đến sự phát triển của các nút protein trong các ống dẫn nhỏ của tụy, sau đó hình thành sỏi gây viêm và xơ hóa tiến triển, dẫn đến hủy hoại tế bào tụy ngoại tiết, tế bào hình sao và tế bào biểu mô ống tụy.
Rượu cũng dẫn đến kích hoạt sớm trypsinogen và các enzym tiêu hóa khác trong chính các tế bào tụy ngoại tiết, điều này dẫn tới quá trình tự phá hủy trong nhu mô tụy dẫn đến tình trạng viêm tụy.
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như đột biến gen, tắc hẹp ống tụy, tăng triglyceride máu, tăng canxi máu, viêm tụy tự miễn… Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân gọi là viêm tụy tự phát.
Viêm tụy mạn là một bệnh lý âm thầm trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn sớm của viêm tụy mạn (giai đoạn A) khi chưa có biến chứng và chưa thay đổi chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy. Các xét nghiệm có thể cho thấy rối loạn dung nạp đường, giảm chức năng tụy ngoại tiết nhưng không ỉa chảy.
Giai đoạn trung bình (giai đoạn B) khi viêm tụy mạn có những biến chứng nhưng chưa ảnh hưởng tới chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy trên lâm sàng. Giai đoạn B được xác định với các điều kiện sau: bệnh nhân có các biến chứng của viêm tụy mạn nhưng không ỉa phân mỡ, không đái tháo đường.
Giai đoạn cuối (giai đoạn C) khi tiến trình xơ hóa tụy dẫn tới suy chức năng tụy ngoại tiết và/hoặc tụy nội tiết biểu hiện bằng đái tháo đường và ỉa phân mỡ.
Các triệu chứng của viêm tụy mạn thường không đặc hiệu. Tuy nhiên cần nghĩ tới bệnh lý này khi có các biểu hiện dưới đây, đặc biệt là ở người bệnh có yếu tố nguy cơ như uống rượu với số lượng lớn trong thời gian dài.
Đau bụng kéo dài: Đây là triệu chứng gây khó chịu nhất cho người bệnh và cũng là chỉ định thường gặp nhất cho điều trị phẫu thuật. Đau nhiều gây nên chán ăn do đó dẫn đến suy dinh dưỡng và giảm cân.
Vị trí đau thường ở thượng vị (mặc dù đau lan tỏa cả vùng bụng trên cũng có thể gặp) do đó đau thường được chẩn đoán là do viêm dạ dày.
Ngoài ra bệnh nhân còn có biểu hiện kém hấp thu, đái tháo đường, tắc hoặc hẹp đường mật với triệu chứng vàng da tắc mật, tắc hoặc hẹp tá tràng với hội chứng hẹp môn vị…
Viêm tụy mạn được coi là yếu tố nguy cơ phát triển ung thư tụy, tỷ lệ xuất hiện ung thư tụy ở bệnh nhân viêm tụy mạn là 1,8 - 3% sau 10 năm và 4% sau 20 năm.
Nghiên cứu của Lowenfels cho thấy: nguy cơ ung thư tụy cao gấp 16 lần ở bệnh nhân viêm tụy mạn. Khi viêm tụy tái phát nhiều lần gây ra tái tạo tế bào, dẫn đến viêm mạn tính, làm mất chức năng tế bào, phá hủy tuyến và làm tăng quá trình tân tạo tế bào. Việc tăng số lượng tế bào biểu mô ống tụy là yếu tố quan trọng hình thành ung thư tụy.
Ung thư tụy có tiên lượng rất xấu, mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và giảm được tỷ lệ tử vong và biến chứng sau mổ, tỷ lệ sống sau 1 năm 68%, 2 năm 46,7% và 5 năm là 18,7%.
Ung thư tụy ban đầu biểu hiện triệu chứng và biến đổi cấu trúc giống như những thay đổi trong viêm tụy mạn nên các triệu chứng lâm sàng và hình ảnh rất khó phân biệt.
Những khó khăn trong chẩn đoán phân biệt còn liên quan một số yếu tố khác như một số trường hợp ung thư cũng có vôi hóa ở tụy, u hoại tử cũng có hình ảnh giống nang giả.
Trên người bệnh viêm tụy mạn, cần luôn theo dõi khả năng ác tính ở bệnh nhân này, đặc biệt khi tồn tại khối viêm ở tụy, có hoặc không kèm hẹp nhiều ở ống tụy chính hoặc ống mật chủ.
Theo đại diện Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua cơ sở đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp viêm tụy mạn.
Gần nhất là 2 trường hợp dưới đây: Một trường hợp viêm tụy mạn, sỏi tụy với hậu quả là đau bụng kéo dài và một trường hợp viêm tụy mạn có biến chứng ung thư tụy; cả 2 trường hợp đều có liên quan đến lạm dụng bia rượu.
Viêm tụy mạn thường tiến triển âm thầm, khi phát hiện ra bệnh thường ở giai đoạn muộn. Vì vậy, chúng ta cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm.
Đặc biệt, là những bệnh nhân có nguy cơ như tiểu đường, kém hấp thu, bệnh nhân uống rượu nhiều năm... Khi phát hiện ra bệnh nên điều trị hoặc khám theo dõi tại các cơ sở chuyên khoa. Nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Phẫu thuật tuy không phải phương pháp thường xuyên được áp dụng để điều trị viêm tụy mạn nhưng chỉ định mổ được đặt ra khi viêm tụy mạn gây ra các biến chứng về cơ học như giãn ống tụy, tắc mật, hẹp môn vị, chèn ép bó mạch mạc treo tràng trên hoặc có khối không loại trừ ung thư.
Chỉ định mổ ở thời điểm và bệnh cảnh hợp lý giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và giảm nguy cơ tiến triến tổn thương nhu mô tụy.
Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai có các Phẫu thuật viên chuyên sâu về các bệnh lý tụy.
Bên cạnh đó, Bệnh viện còn có các chuyên khoa phối hợp để điều trị bệnh nhân trong cả quá trình nằm viện như chuyên khoa nội tiết giúp điều chỉnh đường máu, chuyên khoa dinh dưỡng cùng với gây mê hồi sức giúp giảm đau và phục hồi sớm sau mổ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-pham-gay-viem-tuy-man-la-ruou-bia-d189562.html