Thu ngân sách giảm nhanh, ngành Thuế cấp tốc bàn giải pháp ứng phó

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, số thu ngân sách qua các tháng đầu năm đang có dấu hiệu suy giảm nhanh. Trước tình hình này, sáng 27/4/2023, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2023.

Nhiều khoản thu trọng yếu đạt thấp so với cùng kỳ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho rằng, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách quý I/2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong nước, GDP quý I ước chỉ tăng 3,32 % so với cùng kỳ, gần như thấp nhất trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh 2 tháng liên tiếp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2023 giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới giảm 2% về số DN, giảm 34,1% về vốn đăng ký và giảm 12,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước…, đã tác động đến thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong quý I/2023.

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phương Thúy

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Phương Thúy

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn đánh giá, mặc dù thu quý I/2023 đạt 31,4% dự toán, tăng 5,5% so cùng kỳ, nhưng tiến độ thu ngân sách quý I thấp hơn 2 năm liền kề trước đó. Số thu qua các tháng có dấu hiệu suy giảm nhanh, tính chung 3 tháng, nếu loại trừ các khoản thu sau quyết toán và đột biến phát sinh năm 2022 nộp trong năm 2023 thì thu nội địa quý I/2023 của toàn quốc chỉ bằng bằng 19,1% dự toán, bằng 84,6% so cùng kỳ.

Tổng cục Thuế cho biết, nhiều khoản thu trọng yếu thu trong quý I đều thấp hơn cùng kỳ năm trước như: thuế giá trị gia tăng bằng 95,5%, tiêu thụ đặc biệt bằng 92,9%, thu nhập cá nhân bằng 97,3%…

Mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương như: bất động sản bằng 54,9%; ô tô bằng 73%; chứng khoán bằng 42,6%; dầu khí bằng 88,1% so cùng kỳ…

Đặc biệt, thời gian tới, các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách ngành Thuế quản lý.

“Trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục triển khai những chính sách gia hạn nộp thuế, giảm thuế trong thời gian tới sẽ tác động đến việc triển khai thực hiện thu ngân sách năm 2023, toàn ngành cần phải có đánh giá cụ thể để có giải pháp quyết liệt khai thác tăng thu, bù đắp giảm thu do thực hiện các chính sách mới ngay từ bây giờ” - Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn nhấn mạnh.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu

Chia sẻ về các giải pháp quản lý thu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, cục thuế sẽ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ và giải pháp điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp trở lại cho NSNN.

Cục Thuế TP. Hà Nội xác định công tác quản lý đối tượng người nộp thuế (NNT) là cơ sở quan trọng hàng đầu của công tác quản lý thuế. Theo đó, cục thuế đã và đang tiếp tục triển khai quản lý chặt chẽ đối tượng NNT (bao gồm cả DN, tổ chức, cá nhân) trên cơ sở nắm bắt, cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin định danh, thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, giám sát chặt chẽ tình hình kê khai, thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

 Ông Nguyễn Huy Hồng - Cục trưởng Cục Thuế Phú Thọ phát biểu tại điểm cầu Phú Thọ. Ảnh chụp màn hình.

Ông Nguyễn Huy Hồng - Cục trưởng Cục Thuế Phú Thọ phát biểu tại điểm cầu Phú Thọ. Ảnh chụp màn hình.

Cùng với đó, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế theo chuyên để, tập trung vào một số ngành nghề, hoạt động có rủi ro, có nguy cơ vi phạm cao như: tài chính, bất động sản, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng cho DN hoàn thuế và sẽ tập trung thanh kiểm tra DN có giao dịch liên kết lớn, nhóm đối tượng có nhiều dư địa khai thác thu.

Đối với giải pháp thu hồi, xử lý nợ thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp cưỡng chế thu hồi đăng ký kinh doanh, xác minh tài sản kê biên, hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật; hạn chế tối đa số nợ mới phát sinh, nhất là số thuế được gia hạn nhưng hết thời gian gia hạn NNT không nộp được. Phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương nơi đăng ký kinh doanh và nơi cư trú để kiểm soát chặt chẽ, hậu kiểm sau khoanh, xóa nợ.

Phát biểu tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, giải pháp trọng tâm cục thuế triển khai là tập trung quản lý, thu kịp thời các nguồn thu, tăng cường quản lý nợ thuế.

Cùng đó, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh cũng chủ động rà soát tình hình kê khai của DN, tờ khai có mâu thuẫn; theo dõi đánh giá các khoản thu được gia hạn nộp khi đến hạn; phối hợp với các sở, ngành tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; tham mưu UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ pháp lý cho dự án bất động sản.

Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng tăng cường phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường thu các khoản thu từ đất theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước…, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao trong năm 2023.

Chia sẻ từ điểm cầu Thái Nguyên, ông Đỗ Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên cho hay, tình hình thu ngân sách trên địa bàn tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, thép, khai khoáng, xi măng…, thời gian qua hoạt động sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực trên đều có chiều hướng chậm lại, kéo theo đó số thu ngân sách sụt giảm mạnh.

Cụ thể, doanh thu hoạt động sản xuất của lĩnh vực điện tử 3 tháng giảm 2 tỷ USD, kéo theo số thu ngân sách 150 tỷ đồng; doanh thu lĩnh vực sắt thép giảm hơn 1 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm; hoạt động sản xuất may mặc, gỗ… cũng đều rất khó khăn.

Đặc biệt, thị trường bất động sản đang rất trầm lắng, đến nay mới thu được 300 tỷ đồng, trong khi đó dự toán giao thu gần 5.000 tỷ đồng, đây là áp lực rất lớn của đơn vị; thu thuế bảo vệ môi trường cũng giảm 300 tỷ đồng…, những tác động trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến dự toán thu Cục Thuế Thái Nguyên được giao thực hiện.

Nêu giải pháp trong thời gian tới, ông Đỗ Trọng Nghĩa cho biết, cục thuế đã đặt ra 3 vấn đề trọng tâm trong công tác quản lý thuế, trong đó chủ động làm việc với DN trọng điểm trên địa bàn, rà soát dự báo đưa ra giải pháp thu phù hợp với tình hình thực tế.

Cục Thuế Thái Nguyên hiện đang làm với 30 DN trọng điểm trên địa bàn về tiến độ thu nộp ngân sách; đang tiến hành làm việc với Công ty Samsung, đây là DN đóng góp nguồn thu lớn nhất cho ngân sách của tỉnh.

Cục Thuế Thái Nguyên cũng đã giao kế hoạch thu các khoản liên quan đến đất, thu tiền sử dụng đất chi tiết đến từng dự án; đồng thời chủ động tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh triển khai dự án, để đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất.

Thực hiện tốt các gói hỗ trợ, tạo ra nguồn thu cho ngân sách

Giao nhiệm vụ cho toàn ngành trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn yêu cầu, cùng với việc thu kịp thời các nguồn thuế vào ngân sách, toàn ngành cần phân tích đánh giá, tìm ra giải pháp căn cơ nhất, thiết thực nhất đối với từng địa bàn và khoản thu, sắc thuế cụ thể.

Đồng thời, cục thuế các tỉnh, thành phố cần triển khai thực hiện tốt các gói hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo đà khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian ngắn nhất, từ đó tạo ra nguồn thu cho ngân sách.

Cùng với đó, toàn ngành cần tập trung vào một số lĩnh vực kinh doanh liên kết để khai thác tăng thu trong thời gian tới; chú trọng quản lý hoạt động kinh doanh chuỗi, nhà hàng, cafe, khách sạn, giáo dục, y tế, thể dục thể thao

Ngành Thuế cũng thực hiện quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ thuế, hạn chế phát sinh nợ mới; chú trọng thanh tra, kiểm tra ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thất thu thuế như hoạt động thương mại điện tử; kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản…

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-ngan-sach-giam-nhanh-nganh-thue-cap-toc-ban-giai-phap-ung-pho-126749.html