Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao công nghệ thông tin cho cấp xã

Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, từ cấp Trung ương đến cơ sở. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò then chốt, cơ hội để phát triển kinh tế số và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao CNTT ở cấp xã lại là một thách thức lớn, đòi hỏi những cách tiếp cận sáng tạo và chính sách thu hút hấp dẫn.

Tìm hiểu thực tế tại xã Sủng Máng, tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi được biết có một trường hợp cán bộ tại xã Sủng Máng, người từng là Phó chủ tịch UBND xã trước khi hợp nhất và hiện là chuyên viên tiếp nhận hồ sơ nhà đất, gặp khó khăn khi làm việc là một ví dụ điển hình cho thấy những thách thức thực tế khi cán bộ ít am hiểu công nghệ.

Việc tiếp nhận, nhập liệu, tra cứu thông tin đất đai trên các hệ thống, phần mềm quản lý đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hay các cổng dịch vụ công trực tuyến đều cần cán bộ có khả năng vận hành linh hoạt. Nếu cán bộ gặp khó khăn, quá trình xử lý hồ sơ sẽ chậm trễ, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết cho người dân. Bà Ly Thị Pà, xã Sủng Máng cho biết: "Thời đại này mà không có công nghệ thì làm gì cũng khó. Tôi mong ở xã có nhiều cán bộ am hiểu IT để hỗ trợ bà con làm các thủ tục online hay bán nông sản lên mạng. Đơn giản vậy thôi nhưng lại rất cần thiết".

Chính quyền cấp xã cần đội ngũ cán bộ chất lượng cao về công nghệ thông tin (Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bờ Ngoong, tỉnh Gia Lai). Ảnh: HỒNG NGỌC

Chính quyền cấp xã cần đội ngũ cán bộ chất lượng cao về công nghệ thông tin (Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bờ Ngoong, tỉnh Gia Lai). Ảnh: HỒNG NGỌC

Trường hợp của cán bộ tại xã Sủng Máng không phải là duy nhất. Nhiều cán bộ lớn tuổi, hoặc những người đã làm việc lâu năm trong môi trường truyền thống, thường ít có cơ hội tiếp cận và học hỏi công nghệ mới. Điều này tạo ra một khoảng cách số trong chính bộ máy hành chính, gây cản trở cho tiến trình chuyển đổi số toàn diện. Nhân lực CNTT chất lượng cao tại cấp xã không chỉ đơn thuần là những người vận hành hệ thống, mà còn là nhân tố trực tiếp triển khai các sáng kiến chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh và thúc đẩy kinh tế số thông qua các ứng dụng, dịch vụ thiết thực phục vụ đời sống dân sinh. Đội ngũ này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển bền vững cho địa phương.

Thực tế cho thấy, việc thu hút nhân tài CNTT về cấp xã còn gặp nhiều rào cản. Sự chênh lệch đáng kể về điều kiện làm việc, mức lương, và cơ hội phát triển giữa các đô thị lớn và vùng nông thôn luôn là thách thức lớn nhất. Nhiều xã vẫn thiếu vắng những cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để chiêu mộ và giữ chân người giỏi. Bên cạnh đó, hạn chế về hạ tầng công nghệ, môi trường làm việc chuyên nghiệp, và một văn hóa công nghệ chưa thực sự hình thành cũng là những trở ngại đáng kể. Đồng chí Đào Thị Thu Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải, tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi rất muốn thu hút các bạn trẻ giỏi về làm việc, nhưng điều kiện của xã còn hạn chế. Mức lương khó cạnh tranh với thành phố, cơ sở vật chất cũng chưa đồng bộ. Quan trọng là nhiều bạn trẻ muốn có môi trường năng động, nhiều dự án lớn để phát triển bản thân, điều này ở xã mình còn khó đáp ứng".

Để giải bài toán này, việc nắm bắt và đáp ứng các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của nhân lực CNTT là quan trọng. Một môi trường làm việc hấp dẫn cần có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm tính kết nối và hiệu suất. Quan trọng hơn, đó phải là một văn hóa làm việc khuyến khích sự sáng tạo, học hỏi liên tục và đề cao tinh thần hợp tác. Một không gian làm việc linh hoạt, thoải mái cũng góp phần tạo cảm hứng.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ tuy không phải là yếu tố duy nhất nhưng vẫn là điều kiện tiên quyết. Một mức lương cạnh tranh, tương xứng với năng lực và đóng góp là không thể thiếu. Cùng với đó, các chính sách phúc lợi hấp dẫn như bảo hiểm đầy đủ, nghỉ phép, hỗ trợ nhà ở hoặc đi lại (nếu cần), cùng các hình thức thưởng hiệu suất, thưởng dự án sẽ làm tăng tính hấp dẫn của vị trí.

Sáng 10-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 47, cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao" giai đoạn 2021-2024. Tại phiên họp, theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, việc triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp vừa qua cho thấy hệ thống, nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước còn yếu. Những người có năng lực lại ra làm doanh nghiệp ngoài vì cơ quan nhà nước trả lương như công chức 5-7 triệu đồng/tháng, không thể thu hút được. "Trước mắt, với cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ trong cơ quan nhà nước, cần có cơ chế đặc thù, cần được hưởng 200% lương mới giữ được. Nếu không giữ được, vận hành theo dạng số hóa rất khó khăn và sẽ bị rối", Phó thủ tướng cho hay.

Để biến thách thức thành cơ hội, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Chúng ta cần xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù và hấp dẫn, ví dụ như cung cấp các gói hỗ trợ chi phí sinh hoạt, thuê nhà hoặc xây dựng nhà ở xã hội dành riêng cho nhân lực CNTT từ nơi khác đến. Việc thiết lập các quỹ hỗ trợ, vườn ươm công nghệ tại cấp xã cũng khuyến khích các cá nhân, nhóm phát triển dự án CNTT phục vụ địa phương. Việc thu hút và phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao ở cấp xã không chỉ là một mục tiêu chiến lược mà còn là một nhu cầu cấp bách để thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thu-hut-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cong-nghe-thong-tin-cho-cap-xa-837628